Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ác mộng karoshi - Mặt tối của phát triển ở Nhật Bản

Thương Nguyệt| 02/06/2018 16:32

(HNMO) – Chính phủ Nhật Bản đang rất nỗ lực trong việc yêu cầu người lao động giảm giờ làm thêm vốn đang là vấn nạn khó giải quyết tại quốc gia phát triển này.

Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới, gần 1/4 tổng số công ty yêu cầu nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng, theo một thống kê của chính phủ. Điều đáng nói, nhiều lao động không được trả tiền làm ngoài giờ.

Nên kinh tế phát triển của Nhật Bản kéo theo tình trạng người lao động phải làm việc với cường độ lớn. Ảnh: Getty Images


Việc phải làm thêm quá nhiều so với quy định đồng nghĩa người lao động không có đủ thời gian nghỉ ngơi. Nghiên cứu của Expedia cho thấy, người lao động Nhật Bản hiếm khi tận dụng 10 ngày nghỉ được trả lương 63% trong số những người tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm thấy “tội lỗi” khi được trả lương mà không đi làm.

Theo New York Times, việc làm thêm hàng chục giờ mỗi tháng không đồng nghĩa với năng suất lao động cao. Đất nước mặt trời mọc là quốc gia có năng suất lao động thấp nhất trong nhóm G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Anh và Nhật Bản.

“Sách trắng karoshi” và những con số biết nói

Lần đầu xuất hiện trong từ điển vào thập niên 80, thuật ngữ “karoshi” trong tiếng Nhật Bản được hiểu là “tử vong vì làm việc quá độ” và là một khái niệm hợp pháp công nhận những cái chết vì lý do làm việc quá sức.

Tháng 10-2016, Nhật Bản công cố “Sách trắng karoshi” cho thấy với tình trạng làm việc hiện tại, cứ 1 trong 5 người lao động quốc gia này đối mặt với nguy cơ tự sát vì làm việc quá độ (hơn 80 giờ làm thêm mỗi tháng).

Ảnh minh họa: Internet


Đầu tháng 10-2017, “Sách trắng karoshi” lần thứ hai được nội các Nhật Bản thông qua chỉ ra rằng lao động nam giới ở độ tuổi 40 là những trường hợp có nguy cơ tự sát cao nhất vì áp lực công việc quá lớn.

Theo The Guardian, các báo cáo ghi nhận tới 191 trường hợp chết vì làm việc quá sức trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2017 và có khoảng 7,7% số người lao động thường xuyên làm quá 20 giờ mỗi tuần. Báo cáo cũng cho thấy 352 trong tổng số 368 trường hợp tự sát giai đoạn từ đầu năm 2010 đến tháng 3-2015 là nam giới. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn rất nhiều.

Văn phòng các công ty Nhật Bản sáng đèn tới khuya là những hình ảnh thường thấy. Ảnh: Internet


Thông tin từ “Sách trắng karoshi” tiết lộ 22,7% số công ty (tính từ tháng 12-2015 đến tháng 1-2016) xác nhận nhân viên phải làm thêm hơn 80 giờ/tháng, mức độ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kéo theo nguy cơ tự sát.

“Tử vong vì làm việc quá độ”

Cuối 2015, Matsuri Takahashi, nhân viên của hãng quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu, đã nhảy lầu tự sát vì không chịu được áp lực công việc. Takahashi tự kết liễu mạng sống chỉ vài tháng sau khi vào làm việc ở Dentsu. Trước khi tự sát, nữ nhân viên 24 tuổi để lại lời nhắn cho mẹ: “Tại sao mọi việc phải khó khăn như vậy?”.

Bà Yukimi Takahashi, mẹ của Matsuri Takahashi, bên di ảnh con gái. Ảnh: Telegraph


Vài tuần trước đó, Takahashi bắt đầu gửi thông điệp lên mạng xã hội Twitter, phàn nàn rằng cô “bị bắt nạt tại nơi làm việc và bị buộc phải lao động quá giờ”.

“4 giờ sáng. Cơ thể tôi đang run rẩy… Tôi không thể làm thế này. Tôi sẽ chết. Tôi quá mệt mỏi”, Telegraph dẫn lại một trong những chia sẻ như điềm báo của Takahashi.

Vụ việc như “gáo nước lạnh” tạt thẳng vào Nhật Bản, quốc gia được biết đến với áp lực làm việc khủng khiếp và cả tỷ lệ tự sát cao, gây rúng động dư luận và làm dấy lên làn sóng phản đối, yêu cầu thay đổi giờ làm và thắt chặt quản lý việc không trả tiền làm thêm giờ cho người lao động.

Cái chết của Takahashi cũng khiến Chủ tịch Dentsu - Tadashi Ishii phải tuyên bố từ chức cùng năm, đồng thời đẩy hãng này vào cuộc chiến pháp lý với giới chức Nhật Bản vì nghi vấn vi phạm luật lao động, theo Reuters.

Chủ tịch Dentsu - Tadashi Ishii phải từ chức sau cái chết của Matsuri Takahashi. Ảnh: Telegraph


“Cực kỳ hối tiếc” vì hãng đã thất bại trong việc “ngăn một nhân viên mới phải làm quá sức” là những gì Chủ tịch Ishii phát biểu tại họp báo sau cái chết của Takahashi, người được cho là đã phải làm thêm hơn 100 giờ/tháng.

“Để nhận toàn bộ trách nhiệm, tôi sẽ từ chức chủ tịch tại cuộc họp ban giám đốc trong tháng 1”, ông nói.

Sau đó, Dentsu đã đưa ra một số thay đổi nhất định, gồm việc tắt toàn bộ đèn tại các văn phòng lúc 10 giờ tối với mục đích yêu cầu nhân viên phải ra về.

Trường hợp của Takahashi không phải là lần đầu tiên Dentsu đối mặt với tình trạng nhân viên tự tử vì làm việc quá sức. Năm 2000, Tòa tối cao Nhật Bản xác nhận một nam nhân viên 24 tuổi của hãng treo cổ tự sát 1 năm trước đó vì phải chịu đựng “điều kiện làm việc kinh khủng”.

Đầu năm 2017, giới chức quận Fukui cho biết, một nhân viên cấp quản lý của công ty điện lực Kansai tự sát hồi tháng 4 năm trước đó. Cũng như Takahashi, người đàn ông 40 tuổi tự vẫn sau khi phàn nàn về chuyện phải làm thêm tới 200 giờ/tháng.

Nỗ lực thay đổi thói quen nghiện công việc

Nhật Bản và các công ty tuyên bố đang cố gắng hết sức để cắt giảm giờ làm việc trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ đã cân nhắc một số phương pháp ban đầu nhằm giảm số giờ làm tại văn phòng, bao gồm cả giải pháp bắt buộc người lao động giành ít nhất 5 ngày nghỉ mỗi năm và yêu cầu phải có thời gian nghỉ ngơi giữa 2 ngày làm việc.

Hình ảnh người lao động Nhật Bản ngủ vạ vật mọi chỗ, mọi lúc là mặt trái của nền kinh tế phát triển tại quốc gia này. Ảnh: Internet


Trong năm 2016, Nhật Bản bổ sung thêm 1 ngày nghỉ mới (Mountain Day), nâng tổng số ngày nghỉ tại quốc gia này lên 16, cao nhất trong các quốc gia phát triển. Năm ngoái, chính phủ cũng bước đầu khởi động “Ngày thứ 6 khen thưởng” (Premium Fridays) nhằm khuyến khích các công ty cho phép nhân viên được rời nhiệm sở từ 3 giờ chiều của ngày thứ 6 cuối cùng trong tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu lại cho thấy chưa đến 4% người lao động Nhật Bản chấp nhận ra về sớm vào ngày này.

Cuối năm 2016, giới chức Nhật Bản cho biết sẽ công bố danh tính những công ty vi phạm luật làm thêm giờ. Chính phủ kỳ vọng nếu gặp khó khăn trong việc khởi kiện, các công ty phạm luật ít nhất cũng cảm thấy “hổ thẹn” vì cách đối xử với nhân viên.

Sau cái chết của Takahashi, nhiều công ty khẳng định nhân viên ra về vào thời điểm hợp lý và có sử dụng ngày nghỉ theo quy định. Thống đốc Tokyo - Yuriko Koike cũng ra chỉ thị yêu cầu tất cả nhân viên công sở không làm việc sau 8 giờ tối hằng ngày.

Bất chấp nỗ lực của chính phủ Nhật Bản và cam kết của các công ty, tình trạng người lao động làm thêm quá số giờ quy định vẫn là vấn đề nan giải. Ảnh: Internet


Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của một quốc gia nghiện công việc như Nhật Bản là không dễ dàng. Nhiều người lao động vẫn sẵn sàng ngồi bên bàn làm việc đến khuya, không chỉ bởi khối lượng công việc khổng lồ, mà còn vì họ không muốn bị đánh giá là những kẻ trốn việc.

Theo The Guardian, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra mức trần, yêu cầu người lao động không được phép làm thêm quá 100 giờ/tháng, đồng thời áp dụng các chế tài xử phạt đối với những công ty để nhân viên làm quá số giờ quy định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng 100 giờ làm thêm mỗi tháng là quá nhiều, vẫn khiến người lao động đối mặt với áp lực lớn dẫn tới tự sát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ác mộng karoshi - Mặt tối của phát triển ở Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.