Theo dõi Báo Hànộimới trên

A Kay ơi, đừng ngủ vội con !

ANHTHU| 29/05/2005 08:11

Cô giáo vỗ tay bắt nhịp và mấy chục cái miệng xinh xắn, hồng tươi cùng hớn hở hòa ca: Thứ hai là ngày đầu tuần Bé hứa cố gắng chăm ngoan Thứ ba, thứ tư, thứ năm Ngày nào cũng đều cố gắng Thứ sáu rồi đến thứ bảy Cô cho bé phiếu Bé ngoan Chủ nhật cả nhà đều vui Vì bé ngoan suốt tuần. Thế là xong một tuần. Đơn giản như niềm tin của bé, nhẹ không như nụ cười của cô.

Cô giáo vỗ tay bắt nhịp và mấy chục cái miệng xinh xắn, hồng tươi cùng hớn hở hòa ca:

Thứ hai là ngày đầu tuần

Bé hứa cố gắng chăm ngoan

Thứ ba, thứ tư, thứ năm

Ngày nào cũng đều cố gắng

Thứ sáu rồi đến thứ bảy

Cô cho bé phiếu Bé ngoan

Chủ nhật cả nhà đều vui

Vì bé ngoan suốt tuần.

Thế là xong một tuần. Đơn giản như niềm tin của bé, nhẹ không như nụ cười của cô.

Nghe cháu hát, ông mỉm cười hiền hậu. Vui chơi đi cháu. Cả một cuộc đời còn dài phía trước. Hàng trăm tuần, hàng nghìn tuần công việc và lo toan. Còn bà mẹ trẻ bồn chồn, gắt gỏng:

- Đấy ông xem, con đã vào mẫu giáo rồi mà bố nó để ý gì đâu. Mỗi chuyện chạy đăng ký cho con vào mấy cái lớp học nhạc, học võ ở Nhà văn hóa thôi mà mấy tuần nay làm không xong. Tan việc chỉ biết cắm đầu vào mấy quán bia. Thôi, ông đợi đón cháu, con chạy đến nhà đứa bạn, hỏi nó chuyện gia sư ngoại ngữ cho cháu. Nói rồi, cô nổ máy, vội vã phóng xe đi.

Ông già có lý. Về hưu rồi ông có đủ thời gianđể ngẫm nghĩ lại những gì đã trải qua và những gì đang chờ đợi đứa cháu bé bỏng ở phía trước. Đâu chỉ mỗi tuần một phiếu Bé ngoan.

Người mẹ trẻ cũng có lý. Những ước mơ, khát khao của một thời thơ bé cô không có được vì hoàn cảnh nay con cô phải được. Không chỉ mỗi tuần một phiếu Bé ngoan.

Thời khóa biểu: Thứ 2,3… 6 - sáng 6h00 dậy, thể dục đánh răng… 7h00 tới lớp. 8h00 vào học. 10h45 nghỉ ăn cơm, ngủ trưa. 14h00 học tiếp. 16h00 tan trường về nhà. 17h00 - 18h00 học ngoại ngữ (đàn, vẽ tùy ngày) tại nhà. Ăn cơm, nghỉ, xem TV. Từ 20h00 đến 21h00 ôn bài. Thứ 7: Ngoại khóa (nhạc, họa, võ, thể dục nhịp điệu) ở NVH.Chủ nhật: Sáng thăm ông bà, đi chơi công viên; chiều (1 tiếng) tiếng Anh ở nhà cô giáo. Tối nghỉ, ôn bài ngày mai.

Đây là thời khóa biểu một tuần của một học sinh lớp 3 bán trú. Thời khóa biểu những việc bắt buộc.

Cháu tôi nói:

-Bác nhà báo không bận bằng chúng cháu đâu. Cô lúc nào cũng hỏi. Mẹ lúc nào cũng giục. Hết học ở trường là học sô.

Bạn cháu kể:

- Nghĩ đến học là cháu chỉ muốn ốm để được nghỉ. Ngày nào cũng vậy, 7 giờ sáng đến trường, học cả ngày, chiều về tắm rửa, ăn cơm xong là làm bài tập, tối học bài. Chưa một buổi tối nào cháu được đọc truyện hay chơi điện tử. Mẹ cứ nói là cháu lơi là, không chăm chú học, nhưng thực ra nhiều hôm cháu mệt quá, lại chán nữa. Nhưng bài tập không làm hết đến lớp cô giáo lại phạt, cho điểm kém. Cháu thèm một ngày chủ nhật hay thứ bảy được nghỉ thoải mái như người lớn. Nhưng không được, phải đi học thêm, làm thêm một lô bài tập…

Một cháu khác, lớp 4, kể:

-Bạn ấy không nói sai đâu. Bọn cháu đứa nào cũng thế. Hôm nào học xong nhìn đồng hồ cũng đã 11 giờ, có hôm bài khó phải 12 giờ đêm mới xong, nếu không đến lớp sẽ bị cô giáo quát, có khi còn phải làm kiểm điểm nữa, mà như thế về nhà sẽ khổ với bố mẹ - bị mắng, bị phạt đứng góc nhà. Bọn cháu bây giờ kiểu gì cũng khổ - học cũng khổ, không học cũng khổ…

Một dạo Hội phụ nữ thành phố cố gắng tổ chức các cuộc thi hát ru dành cho các bà mẹ trẻ. Cánh võng trưa hè; hàng tre kẽo kẹt đêm trăng; tiếng mẹ ru hời mênh mang mênh mang đồng lúa chín… Thi hát ru để thắm thêm tình mẫu tử:

…Dù con đi suốt cuộc đời

Cũng không đi hết những lời mẹ ru…

Cố lắm mà không thành. Mẹ còn lúc nào để dịu êm con đòlờ lững xuôi dòng; con còn lúc nào để lim dim cánh cò mải miết… Bao nhiêu kế hoạch, bao nhiêu dự tính, bao nhiêu khát vọng một thời của ông bà, bố mẹ nay đặt cả vào con. Nó phải hơn, phải hơn, phải hơn. Nó không chỉ là kỹ sư, cử nhân. Nó phải biết đủ nhạc, họa như bất kỳ đứa trẻ nào ở Mỹ. Nó phải thạo vi tính, ngoại ngữ. Nó phải đủ khỏe mạnh để tự bảo vệ. Nó là tinh cha, máu mẹ nên nó phải là niềm tự hào của họ tộc. Nó phải… Nó phải… ngay từ khi chập chững biết đi, ngay từ khi bập bẹ biết nói.

Cái đĩa hình đó lưu hành đã hơn một năm. Giá chợ 5 nghìn; mua trong cửa hàng 8 nghìn. Nhân vật chính là một chú bé, gọi là bé Châu, nghe nói ở hải ngoại. Bé Châu có tài năng biểu diễn bẩm sinh -hồn nhiên, thoải mái, tự tin. Bé vừa hát, vừa múa minh họa. Bé đóng vai Tôn Ngộ Không hộ vệ Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh cũng thuần thục, chuyên nghiệp như trong vai một anh chàng thất tình đờ đẫn. Những ca khúc bé thể hiện sướt mướt những anh em, những não nùng ly biệt, nhưng cô đơn giá lạnh, những tình đầu tan nát... Đôi khi phù họa cho bé là một đoàn các cô xanh đỏ váy ngắn, giày cao gót, nhảy loạn trong tiếng nhạc giật … Nhiều nhà mua. Nhiều nhà xem. Nhiều người khen. Nhiều người chê. Dù khen, dù chê đều có một khao khát, mong cho con cháu mình có tài như vậy. Muốn được như vậy, cần đào tạo. Tiền không sợ. Các cháu phải học, phải cố gắng. Vì vậy nên các cháu bé của chúng ta thực tình không khác bé Châu là bao - cũng như những con rối chỉ biếtthực hiện những đòi hỏi của bố mẹ. Hay nói đúng hơn, nhiều bậc phụ huynh không khác bố mẹ bé Châu là bao. Và không chỉ thế.

Một cô giáo tiểu học ngao ngán:

- Thực ra chúng tôi cũng biết các cháu quá vất vả, nhưng không thể làm khác được.Không đòi hỏi, không ép buộc, các cháu không thể theo kịp chương trình giáo dục. Các cháu học kém, chúng tôi cũng bị trách mắng, thậm chí mất việc làm.

Một bà mẹ trẻ mệt mỏi:

- Thấy cảnh con cả ngày học ở trường về tối lại học đến tận khuya, thậm chí trong giấc ngủ còn mê sảng những toán những học thuộc lòng, tôi xót xa và thương cháu lắm. Nhưng nếu không bắt con làm cho hết bài thì ngày này chồng sang ngày khác lại còn khổ nữa…

Ngày chủ nhật bên nội có giỗ. Giỗ bà. Con cháu, dâu rể đông đủ. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi. Ông kiểm các cháu chia qùa. Như mọi khi, lại thiếu bé Bông. Mẹ cháu đỏ mặt:

- Cháu không vào được. Hai giờ chiều cháu phải học thêm.

- Trời đất, nó mới lớp hai. Cả năm có một ngày, cho nó nghỉ một buổi không được sao. Học mụ cả đầu, còn tiếp thu gì được nữa. Vả lại tiếng Anh đã bắt buộc đâu…

Mẹ cháu đã lấy lại bình tĩnh, trả lời dứt khoát:

- Nghỉ một buổi rồi thành hai, nó quen thói đi. Ngoại ngữ không ôn quên ngay. Vả lại tiền mình đã trả cả tháng rồi.

Bố cháu im lặng. Còn nói gì được nữa. Chớm hè, Bông chuẩn bị vào lớp một, bố rước ngay một cái đàn oóc về, thuê gia sư. Bé có năng khiếu thật, chỉ học mấy tháng đã được đi thi quận và được giải. Trẻ con có tai nhạc, học ngoại ngữ nhanh lắm - mẹ cháu bảo sách người ta dạy như vậy và thế là Bông có thêm một cô giáo tiếng Anh…

Những ông bố, bà mẹ trẻ tiên tiến, thức thời, lo xa như bố mẹ bé Bông bây giờ không thiếu.Họ không chỉ sợ dốt nát. Con họ phải giỏi, phải nhất. Cuộc sống khá lên trông thấy, tiền của tích cóp được ngày một nhiều thêm - có thể bạn đọc không tin nhưng ở giữa Thủ đô có một trường mẫu giáo mà mỗi ngày ở lớp của cháu bố mẹ phải trả 300 nghìn đồng; 40% phụ huynh của trường là người Việt.Bắt đầu một cuộc đua tranh dữ dội mà vận động viên chính là những cháu nhỏ ngây thơ, mỏng manh; lá bài đặt cược là cả tuổi thơ của cháu. Tuổi thơ là cái gì? Là chăn trâu cắt cỏ; là đánh bi đánh đáo; là chơi khăng thả diều?Để làm gì? Không có tuổi thơ không ai chết. Không có kiến thức sẽ không có việc làm, địa vị, sẽ không có tiền bạc, nghĩa là không có cuộc sống. Một ông bố khẳng định chắc chắn như vậy…

Hát đi, hát nữa đi bé - Thứ hai là ngày đầu tuần… Những ngày ca hát như thế chẳng còn nhiều nữa đâu dù cuộc đời bé còn rất dài.

Mẹ không biết hát ru.Mẹ biết một câu hát. Một câu hát giúp con thành người:

A Kay ơi, đừng ngủ vội con !

Nguyễn Triều

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
A Kay ơi, đừng ngủ vội con !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.