(HNM) - Trong số 34 dự án chiến thắng tại cuộc thi Sáng kiến phòng chống tham nhũng (PCTN) Việt Nam 2011 (VACI) do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức, có một dự án được đánh giá rất cao, đó là dự án PCTN trong ngành giáo dục.
Tìm chuẩn cho thầy và trò
"Xây dựng mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh trong PCTN ở giảng đường ĐH" là tên dự án mà 5 SV gồm: Lê Minh Hằng, Hoàng Nhật Ðãng, Nguyễn Ngọc Ánh, Trương Thị Diệp, Nguyễn Duy Anh (lớp Thông tin đối ngoại K29, khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí&Tuyên truyền) tiến hành nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Ngọc Oanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế.
Nhóm sinh viên và TS Nguyễn Ngọc Oanh (giữa) tại cuộc thi Sáng kiến PCTN Việt Nam 2011. |
Ý tưởng cho đề tài nghiên cứu của nhóm được bắt đầu từ TS Nguyễn Ngọc Oanh, khi ông biết có cuộc thi Sáng kiến PCTN Việt Nam 2011. Ông đã lựa chọn 5 SV năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm... của khoa Quan hệ quốc tế để tạo thành một nhóm nghiên cứu. "Sau khi thành lập nhóm, chúng mình bàn bạc và thống nhất chọn lĩnh vực chống tham nhũng trong giáo dục cho đề tài nghiên cứu. Bởi giảng đường ĐH là môi trường hết sức gần gũi với SV. Hơn nữa, hiện nay, mối quan hệ thầy trò đang dần bị lệch chuẩn, không còn nét nguyên sơ trong câu nói "tôn sư trọng đạo" nữa. Tư tưởng có tiền là có học, có bằng cấp; thầy cô giáo thích cầm phong bì hơn là cầm phấn đứng trên giảng đường đã xuất hiện… Vì thế chúng mình đã chọn lĩnh vực giáo dục để nghiên cứu" - Nguyễn Duy Anh cho biết.
Là vấn đề khá nhạy cảm nên khi tiến hành nghiên cứu, nhóm gặp không ít khó khăn. Khi thăm dò ý kiến, các thành viên đã gặp phải sự e ngại, không hợp tác của các đối tượng mà đề án hướng tới, đó là các bạn SV, giảng viên, phụ huynh... Bởi không ai muốn "vạch áo cho người xem lưng". Và, cũng không ai thừa nhận là mình đã từng "đút lót" để được điểm cao, để qua được các kỳ thi. Bên cạnh đó, việc truyền thông thay đổi hành vi cũng mất rất nhiều thời gian. Vì thế, cả nhóm phải nỗ lực rất nhiều, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Họ đã nảy ra sáng kiến "Quyển sổ sưu tập chữ ký" để tất cả mọi người thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Với quyển sổ này, nhóm phân chia nhau đến từng lớp trình bày rõ dự án để mọi người hiểu và cùng chung tay góp sức. "Ban đầu mọi người còn e dè nhưng khi hiểu vấn đề thì lại rất hào hứng ký" - Nguyễn Ngọc Ánh nói.
Công khai nói không với tham nhũng
Sau ba tháng nỗ lực, nhóm SV đã hoàn thiện dự án. Trong đó, mục tiêu được đặt lên hàng đầu là thay đổi nhận thức, thái độ của các đối tượng về PCTN. "Chỉ khi giảng viên, SV nhận thức đúng về chống tham nhũng trong giáo dục, không lợi dụng để trục lợi cá nhân thì vấn đề này mới được giải quyết triệt để. Để làm được điều này, cần phải xây dựng mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh. Từ thay đổi nhận thức về một vấn đề được cho là nhạy cảm, ngại thảo luận và tranh cãi của các đối tượng tác động đến thay đổi hành vi của họ là dám trao đổi thẳng thắn và hưởng ứng tham gia các hoạt động PCTN" là cả một quá trình - Trương Thị Diệp chia sẻ.
Vì thế, dự án sẽ tập trung vào ba mảng hoạt động chính. Một là, xây dựng website, trong đó diễn đàn PCTN sẽ được đẩy mạnh để giảng viên và SV trao đổi cởi mở. Hoạt động của website còn có các cuộc thi như: "Phóng sự PCTN", "khoảnh khắc thầy và trò"... Kết quả sẽ do khán giả bình chọn. Có thể đánh giá số lượng, chất lượng, tính hiệu quả của hoạt động thông qua số lượng người tham gia cuộc thi, ý kiến, đánh giá của người bình chọn và số lượng người bình chọn... Hoạt động hai, xây dựng quy ước, chuẩn mực thầy trò thông qua hội thảo, website, phiếu điều tra. Hoạt động này có sự đồng thuận giữa thầy và trò cùng cam kết thực hiện. Hoạt động ba, tổ chức ngày hội "Thầy - trò Học viện Báo chí & Tuyên truyền nói không với tham nhũng" được tổ chức thường niên hằng năm, nhằm truyền thông mạnh mẽ hơn về PCTN đến tất cả mọi người.
Được Hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi tính khả thi cao, dự án đã giành chiến thắng tại cuộc thi "Sáng kiến PCTN Việt Nam 2011"; được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cung cấp 290 triệu đồng để biến ý tưởng thành hiện thực. "Chúng mình sẽ chính thức thực hiện dự án từ tháng 10-2011. Thầy cô và SV trong trường đều đang theo dõi sát sao hoạt động của dự án. Vì thế, chúng mình sẽ cố gắng thực hiện dự án một cách tốt nhất và không chỉ thực hiện dự án này trong Học viện Báo chí & Tuyên truyền, mà còn nhân rộng ra các trường ĐH khác nhằm tạo nên một làn sóng mạnh mẽ PCTN trong giáo dục". Trương Thị Diệp hào hứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.