(HNMO) - Ngày 7-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, thị trấn.
Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Ngọc Sơn. Cùng dự hội nghị có 957 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống thiên tai của 579 xã, phường, thị trấn và lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 30 quận, huyện, thị xã...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ thông tin, nhận định về diễn biến thiên tai trong thời gian gần đây và khả năng xảy ra các trận mưa, bão, lũ từ nay đến cuối năm. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trình bày tổng quan về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2020.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe đại diện các quận, huyện: Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng và các xã: Bắc Phú (huyện Sóc Sơn), Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đê điều; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm ứng phó sự cố, thiên tai...
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đề nghị các xã, phường, thị trấn và các quận, huyện, thị xã ngay sau hội nghị này tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đơn vị trong công tác này. Bên cạnh đó, tập trung xử lý, ngăn chặn xảy ra các vụ vi phạm pháp luật đê điều, phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ an toàn công trình hồ đập, đê điều...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.