(HNM) - Được đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng nhưng trong gần 5 năm, Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) luôn trong tình trạng
Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc mặc dù được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng hiện vẫn không hoạt động. |
Quản lý, vận hành yếu kém
Trạm cấp nước sạch thôn Bảo Lộc có công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, được đầu tư theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 2-12-2009 của UBND huyện Phúc Thọ với tổng vốn gần 9 tỷ đồng, do UBND xã Võng Xuyên làm chủ đầu tư. Tháng 8-2011, công trình hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành, khai thác. Thế nhưng, chỉ khoảng 6 tháng vận hành, HTX Nông nghiệp Võng Xuyên đã phải tuyên bố "đóng cửa trạm cấp nước" vì "thu không đủ bù chi". Đến ngày 15-8-2014, HTX Nông nghiệp Võng Xuyên mới có báo cáo chính thức gửi UBND xã Võng Xuyên về việc thôi không quản lý, vận hành và khai thác trạm cấp nước. Kể từ đó đến nay, trạm chỉ thực hiện một nhiệm vụ là cấp nước cho Trường Mầm non Võng Xuyên B ở ngay bên cạnh, với khối lượng khoảng 500m3/tháng.
Tại sao trạm cấp nước được đầu tư gần chục tỷ đồng phải "đắp chiếu" ngay sau khi khánh thành trong khi người dân thiếu nước sạch? Ông Ngô Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên giải thích: "HTX Nông nghiệp không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để quản lý, vận hành và bảo dưỡng nên trạm cấp nước đã không hoạt động được như mục tiêu đặt ra". Do khả năng vận hành các quy trình kỹ thuật yếu kém (vận hành bộ phận sục nước không đúng) nên nguồn nước không bảo đảm chất lượng khiến người dân không tin dùng.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, UBND huyện nhất trí giao cho doanh nghiệp thực hiện việc xã hội hóa để đầu tư, cải tạo và quản lý vận hành khai thác hiệu quả Trạm cấp nước Bảo Lộc. Hiện nay hồ sơ của doanh nghiệp đang được các sở, ngành của thành phố xem xét, thẩm định. Nếu được UBND thành phố chấp thuận, trạm cấp nước sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhân dân. |
Mặc dù trước đó, theo ông Mai "các cán bộ HTX được lãnh đạo xã tin tưởng và cử đi học về quản lý, vận hành trạm cấp nước sạch ở vùng nông thôn". Thời gian đầu trạm cấp nước vận hành thử, bơm nước miễn phí đến các hộ gia đình trong khoảng 3 tháng. "Ban đầu có nước sạch để dùng người dân rất phấn khởi, tuy nhiên đến khi HTX tiến hành triển khai hợp đồng mua bán nước thì số lượng đăng ký chỉ được hơn 20% tổng số hộ dân trong thôn Bảo Lộc". Từ thực trạng "quản lý vận hành yếu kém", số lượng khách hàng không nhiều… nên HTX Nông nghiệp Võng Xuyên đã "cắn răng" bù lỗ 80 triệu đồng (chi phí tiền điện) rồi "bỏ của chạy lấy người".
Trái ngược với lý do lãnh đạo xã Võng Xuyên đưa ra, tiếp xúc với phóng viên, các hộ dân ở thôn Bảo Lộc khẳng định "chất lượng nước chưa bảo đảm nên không đăng ký mua, sử dụng". Ông Nguyễn Văn Chí, nhà ở cách trạm cấp nước khoảng hơn 100m, nói: "Gia đình tôi chưa ngày nào được sử dụng nước sạch của trạm vì nước không đẩy lên được tầng trên. Nhiều người nói nước không bảo đảm chất lượng nên rất ít hộ dân dám dùng".
Ông Đoàn Văn Vật cho biết: "Chỉ những hộ ở gần trạm thì mới có nước, cuối nguồn yếu lắm!". Về nhu cầu sử dụng nước sạch, ông Đoàn Văn Vật trăn trở: "Quan trọng là có nước sạch hay không, từ trước đến giờ có trạm nhưng có nước đâu mà dùng". Trả lời câu hỏi vì sao dân chê nước không sạch mà vẫn cung cấp cho trường mầm non, ông Ngô Văn Mai cho rằng, "thời gian đầu dùng thử đã lấy mẫu nước phân tích và đạt tiêu chuẩn. Sau đó, khi trường mầm non tiếp tục sử dụng, chúng tôi đã mời Công ty Xử lý nước sạch Sơn Tây về hỗ trợ kỹ thuật để vận hành, bảo đảm chất lượng nước".
Mong trạm cấp nước hoạt động trở lại
Với khoảng 1.200 hộ dân, cộng với nghề thu mua sắt vụn nên nguồn nước mặt ở thôn Bảo Lộc bị ô nhiễm trầm trọng trong nhiều năm qua. Vì thế, nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trong thôn rất lớn để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe. Hiện nay, trong khi chờ đợi nước sạch từ trạm cấp nước, người dân thôn Bảo Lộc phải dùng nguồn nước giếng khoan trong sinh hoạt, còn nước để ăn phải dùng nước mưa hoặc lọc qua máy lọc nước mini. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cẩn chỉ tay vào ống nước nằm chỏng chơ ở cổng, cho biết: "Chỉ có nước được vài ngày rồi bỏ không, đến nay chưa chắc có thể sử dụng". Cùng chung nỗi bức xúc với bà Cẩn, chị Lê Thị Ngoan rất lo lắng vì đang ngày đêm phải sử dụng nước giếng khoan ô nhiễm, không biết mức độ nguy hiểm sức khỏe đến đâu. "Chúng tôi mong mỏi có nước sạch để dùng hằng ngày, trong khi trạm cấp nước thì bỏ không, lãng phí”.
Ngày 30-3-2016, có mặt tại Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc chúng tôi không khỏi xót xa cho khối tài sản hàng tỷ đồng trong tình trạng hoang lạnh, cửa đóng then cài. Lối vào trạm ngập rác thải và cỏ dại. Theo số liệu đánh giá sơ bộ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hà Nội, hệ thống bơm có một máy hiện không hoạt động; hệ thống mạng đường ống dịch vụ có khoảng 400m đường ống loại HDPE D60 bị hư hỏng không sử dụng được… Còn lại các hạng mục như bể chứa, bể lọc, hệ thống van, vòi và đường ống trong trạm vẫn trong tình trạng hoạt động bình thường.
Trao đổi về các vấn đề liên quan, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạc cho biết, ngay khi có báo cáo về thực trạng quản lý, vận hành Trạm cấp nước Bảo Lộc của UBND xã, UBND huyện Phúc Thọ đã kêu gọi các doanh nghiệp để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư. Hiện nay đã có doanh nghiệp làm đơn tiếp nhận trạm cấp nước và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Ông Đạc cũng thừa nhận, đây là một bài học trong quá trình triển khai các trạm cấp nước khác trên địa bàn. Để đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi phải có chuyên môn và nguồn tài chính vững chắc, vì vậy chủ trương xã hội hóa đầu tư là cần thiết để bảo đảm các công trình được vận hành hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Sở NN&PTNT đã có báo cáo UBND TP Hà Nội và kiến nghị thành phố tạm giao cho Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ nước sạch Tuấn Minh tiếp nhận quản lý để cải tạo, vận hành trạm cấp nước. Theo chủ trương này, trước mắt sẽ cải tạo, khôi phục để bảo đảm cấp nước cho nhân dân trong thôn Bảo Lộc; về lâu dài nâng cấp trạm cấp nước để cung cấp cho toàn bộ nhân dân trong xã Võng Xuyên. Về phía UBND huyện Phúc Thọ và UBND xã Võng Xuyên thực hiện ngay việc quyết toán công trình để làm cơ sở bàn giao cho doanh nghiệp; Công ty Tuấn Minh có trách nhiệm lập phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng công trình để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.