Thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua các đơn vị do Trung tâm quản lý là 111.507 người, đạt 101,37% kế hoạch năm 2023 và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2023 là 14.273 lao động (5.402 lao động nữ). Trong đó, thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất là thị trường Nhật Bản với 8.475 lao động (3.831 lao động nữ). Một số thị trường có số lượng lao động Việt Nam khá lớn là Đài Loan (Trung Quốc) với 4.512 lao động (1.391 lao động nữ), Hàn Quốc 505 lao động (47 lao động nữ), Trung Quốc 198 lao động nam, Hungary 146 lao động (90 lao động nữ).
Ngoài ra, có một số thị trường tiếp nhận dưới 100 lao động, gồm Ba Lan 88 lao động (11 lao động nữ), Romania 78 lao động (10 lao động nữ), Singapore 51 lao động nam, Ma Cao 45 lao động (10 lao động nữ), Malaysia 34 lao động (10 lao động nữ), Ả rập Xê út 33 lao động (31 lao động nữ)…
Tổng hợp số liệu từ tháng 1 đến tháng 9-2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ), đạt 101,37% kế hoạch năm (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động). Trong đó, các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất vẫn là Nhật Bản với 55.690 lao động (23.758 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc) với 46.166 lao động (13.733 lao động nữ). Có thể kể thêm một số thị trường tiếp nhận hơn 1.000 lao động Việt Nam là Hàn Quốc với 2.449 lao động (100 lao động nữ), Trung Quốc 1.361 lao động nam (2 lao động nữ), Hungary 1.148 lao động (551 lao động nữ), Singapore 1.015 lao động nam…
Đáng chú ý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tăng cường hợp tác để một số thị trường lao động nhiều tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều lao động Việt Nam. Đơn cử như với thị trường lao động ở Đức, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng trên dưới 1.000 y tá, điều dưỡng người Việt Nam sang làm việc thông qua các khóa đào tạo hợp tác giữa hai bên, hầu hết những y tá, điều dưỡng đều đang làm việc trong môi trường, điều kiện rất tốt và hưởng mức thu nhập cao.
Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng phối hợp Cơ quan Lao động Liên bang Đức, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam triển khai Chương trình "Hand in Hand for International Talents", nhằm tuyển chọn 44 người lao động Việt Nam sang Đức làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, ẩm thực hoặc ngành khách sạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.