Hôm qua (3/12), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng với các nhà tài trợ lần thứ 2.
Hôm qua (3/12), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng với các nhà tài trợ lần thứ 2.
Sau khi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về những tiến triển và những thách thức trong đấu tranh chống tham nhũng, các nhà tài trợ đã đồng loạt lên tiếng về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Một học sinh muốn vào trường học, bệnh nhân muốn khám bác sĩ đều phải "chạy" tiền là những dấu hiệu của tham nhũng trong hai lĩnh vực này.
PGS- TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, đã chỉ ra 9 hình thức tham nhũng trong hệ thống giáo dục phổ thông gồm: chạy trường (năm 2006, muốn vào học trường PTTH Lê Quý Đôn, TP.HCM, mất 2000 USD); chạy điểm (vụ chạy điểm 553 triệu đồng ở Bạc Liêu); tham nhũng qua dạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng (kiến cố hoá trường học phát hiện 14% phòng học gấy thất thoát hơn 27 tỷ đồng); xà xẻo khi mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí dự án giáo dục.
Ông Jairo Acuna- Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP chỉ ra rằng giáo dục là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, vì đầu tư cho giáo dục thường đứng thứ nhất trong ngân sách nhà nước, trở thành một "miếng mồi" hấp dẫn cho sự bảo trợ, lôi kéo và vận động.
Hơn thế, một số lượng đáng kể ngân sách giáo dục đang được sử dụng ở mức thấp, rải rác ở các nơi và ở các cấp khác nhau, phần lớn nơi này có hệ thống giám sát và kế toán yếu kém.
Vì vậy, theo ông Alfaro, Việt Nam cần có cơ chế phát hiện và tố cáo tiêu cực trong giáo dục. Để làm được việc này, Việt Nam có thể tham khảo bài học của nước ngoài để cho hội phụ huynh tham gia giám sát, tổ chức đấu thầu xuất bản sách, chấm công giáo viên...
Cùng quan điểm này, ông Cử phân tích: Việt Nam có hơn 3 vạn trường PTTH, 17 triệu học sinh và 80 vạn giáo viên, trong đó ngân sách cho giáo dục chiếm hơn 20%. Vì vậy cần có sự tham gia của xã hội dân sự vào công tác phòng chống tham nhũng trong hệ thống giáo dục phổ thông vì nhiều vụ việc nếu không có sự tham gia của người dân và báo chí thì đã bị chìm xuồng.
Cần có sự liên kết của người dân với và báo chí để hình thành diễn đàn mạnh mẽ và hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng. Trong đó có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự ảo như Internet, blogger trong PCTN.
Nhận xét về chương trình phòng chống tham nhũng của Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen- Đại sứ Đan Mạch cho rằng, Luật phòng chống tham nhũng có những hạn chế, khó khăn khi triển khai như chưa có cơ chế bảo vệ người dân tố cáo khỏi sự trả thù, hình thức xử lý nếu cán bộ công chức không kê khai, kê khai tài sản không đúng...
Đáng chú ý, trong công tác phòng chống tham nhũng, các doanh nghiệp đã bị để đứng ngoài cuộc. Điều đó sẽ dẫn đến kết quả là việc chống tham nhũng chỉ là "bài tập về nhà" của các cơ quan chức năng để người xem ngó qua.
Đồng quan điểm, Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cho rằng không thể chiến thắng tham nhũng nếu không có sự tham gia và cảnh giác của dân chúng.
Hơn 400 vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý Theo Tổng TTCP Trần Văn Truyền, cả nước hiện có trên 400 vụ việc liên quan đến tham nhũng được các địa phương phản ánh và đưa vào diện xem xét để giải quyết. Riêng 8 vụ trọng điểm ở Trung ương, Chính phủ đã đưa ra quyết định xem xét và đã giải quyết được 5 vụ. Những vụ còn lại từ nay đến hết tháng 12 này sẽ đưa ra xét xử. Trong quá trình đó cũng phát hiện và quyết định khởi tố thêm 7 vụ việc quan trọng, nghiên cứu thụ lý khoảng 5-6 vụ nữa. |
Duy Tuấn/VTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.