Theo dõi Báo Hànộimới trên

86,3% dân số ở Thủ đô Hà Nội tham gia bảo hiểm y tế

Hà Hiền| 24/06/2020 12:14

(HNMO) - Ngày 24-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thành phố chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Ban Chỉ đạo thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Toàn thành phố đã giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 334.000 lượt người với số tiền chi trả là hơn 2.561 tỷ đồng, trong đó có hơn 110.000 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Số người được khám, chữa bệnh BHYT là gần 4 triệu lượt người với kinh phí chi trả gần 7.300 tỷ đồng…

Cùng với kết quả đạt được, do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố đang gặp không ít khó khăn. Đến hết ngày 31-5-2020, Hà Nội có gần 6,95 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,3% dân số ở Thủ đô, tăng hơn 164.000 người so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại giảm hơn 50.000 người so với thời điểm cuối năm 2019. Đáng lưu ý, số người tham gia BHYT hiện nay còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ BHYT lên 90,1% vào cuối năm 2020 do HĐND thành phố giao.

Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện cũng khó đạt mục tiêu đề ra khi toàn thành phố hiện có hơn 1,72 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 87,8% số người thuộc diện tham gia (chỉ tiêu năm 2020 là 95%); số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 37.000 người, đạt tốc độ gia tăng 5,19% so với năm 2019 (chỉ tiêu là 30%)…

Công tác thu nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng gặp vướng mắc. Tính đến thời điểm hết tháng 5-2020, toàn thành phố còn hơn 53.000 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.851 tỷ đồng, tăng 937 tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó số tiền nợ trên 24 tháng là 668 tỷ đồng. Doanh nghiệp nợ đóng BHXH làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức hội nghị đối thoại với người sử dụng lao động để đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, qua đó bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho người tham gia.

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao ngành BHXH phối hợp với ngành Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh BHYT, phát hiện kịp thời những sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách.

“Thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao trong năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
86,3% dân số ở Thủ đô Hà Nội tham gia bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.