Theo dõi Báo Hànộimới trên

75 năm chân dung Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam

Nguyễn Ngọc Tiến| 09/02/2021 15:41

(HNNN) - Ngày 31-1-1946, tiền giấy của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát hành. Từ bộ tiền đầu tiên cho đến bộ tiền polymer phát hành năm 2003, chân dung Người vẫn được in trên đồng tiền với đủ các mệnh giá, đó là biểu tượng của đồng tiền Việt Nam.

Hình thức và ý nghĩa hình vẽ trên tờ tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng do họa sĩ Hồ Trọng Minh  thiết kế. Ảnh: Vũ Minh

Nhiệm vụ in tiền được giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng. Công việc được bí mật triển khai vào tháng 11-1945, bắt đầu là tiền xu. Việc làm tiền xu thuận lợi hơn vì sử dụng máy dập thu của chế độ cũ. Cuối năm 1945, tiền xu được phát hành. Tuy nhiên, tiền giấy phức tạp hơn vì phải có họa sĩ vẽ mẫu, có nhà in, có giấy và mực nhưng thời điểm này hàng vạn quân Pháp vẫn ở miền Bắc, lại thêm hàng chục nghìn quân Tưởng Giới Thạch sang giải giáp quân đội Nhật “nhòm ngó” nên việc thiết kế và in ấn phải rất bí mật.

Khoảng 20 họa sĩ - hầu hết tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, giàu nhiệt huyết cách mạng - tham gia thiết kế tiền. Hai người đầu tiên được phân công nhiệm vụ là Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng, Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng. Tiếp theo là họa sĩ Nguyễn Văn Khanh dựng hình cho tờ 20 đồng. Nhóm họa sĩ Nguyễn Huyến thiết kế tờ 100 đồng. Các họa sĩ Bùi Trang Chước, Nguyễn Sáng, Lê Phả... thiết kế các tờ tiền mệnh giá 1 đồng, 2 đồng, 50 đồng... Chủ đề bao trùm là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trên các mệnh giá có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử tiền Việt Nam in chân dung lãnh tụ. Việc vẽ tiền hết sức bí mật. Nhờ có sự hỗ trợ của các nhà tư sản yêu nước là Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện, đồng tiền giấy đã ra đời và được phát hành.

Họa sĩ Hồ Trọng Minh, người vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng nói rằng, thế giới chỉ có hai nhân vật được đưa vào tiền lúc còn sống là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tuy nhiên, khác với Elizabeth II nổi tiếng trên thế giới thì khi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in lên tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới giữ chức Chủ tịch nước được 4 tháng, và trước ngày 2-9-1945, rất ít người Việt Nam biết mặt Người. Khi tiền giấy in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát hành, nhiều người gọi là “giấy bạc Cụ Hồ” hay “tiền Cụ Hồ”, một cách gọi gần gũi, thân thương.

Họa sĩ Hồ Trọng Minh. 

Thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Trong vùng Pháp kiểm soát, chúng cấm lưu hành giấy bạc Cụ Hồ. Nhưng dọa mấy dân cũng không sợ, vẫn tin tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc: “Bạc Đông Dương: kẻ thương người ghét/ Bạc Cụ Hồ: người nhét kẻ thu/ Ra tay ta chống quân thù/ Dù cho bay có đốt hết/ Thì bạc chiến khu lại về !”.

Tính từ bộ tiền năm 1946, các đồng tiền kháng chiến in ở các tỉnh Nam Bộ cho đến bộ tiền polymer, hầu hết chân dung Bác Hồ đều nhìn thẳng, chỉ có hai mẫu nghiêng. Họa sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng Thiết kế tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) lý giải rằng, vẽ chân dung ở góc độ 3/4 hay 4/5 khuôn mặt dễ mô tả hình khối hơn so với vẽ chính diện; mặt khác, nếu máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, giấy không đủ tiêu chuẩn thì chân dung chính diện khi in sẽ xấu. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng, người vẽ chân dung Bác Hồ trong 4 mệnh giá tiền polymer gồm tờ 20.000 đồng, 50.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, chia sẻ: Vẽ chân dung chính diện của Bác là thách thức đối với các họa sĩ vẽ mẫu tiền. Theo ông Tăng, thách thức là ở chỗ khuôn mặt người châu Á không có điểm nhấn như người châu Âu. Sống mũi người châu Âu cao, hố mắt sâu và râu đàn ông như rễ bèo, vì thế dễ vẽ. Với Bác, khó nhất là vẽ tóc và râu vì tóc và râu Bác thưa nên chải nét không dễ dàng. Nhưng khó nhất là vẽ môi, phải vẽ làm sao để khóe môi Bác như đang cười. Còn mắt Bác thì phải sáng trong, hiền từ, độ lượng…

Tuy nhiên, từ mẫu đến khi in ra tiền luôn có khoảng cách. Bây giờ công nghệ chế bản hiện đại nên khoảng cách giữa mẫu và bản in rất gần nhau. Xưa, các họa sĩ vẽ chân dung Bác theo kỹ thuật truyền thống nhưng phải giữ bí mật, in ấn cũng bí mật nên bản khắc kim loại có lỗi cũng không có điều kiện để sửa. Hơn nữa, thời kỳ đó công nghệ hạn chế, giấy in chỉ là loại giấy gói hàng của Nhà máy Giấy Đáp Cầu. Và rất tiếc rằng đến nay không còn những mẫu vẽ của bộ tiền 1946 để so với đồng tiền đã in.

Từ bộ tiền năm 1951 cho đến trước năm 1991, các mệnh giá lớn hầu hết đều được in ở nước ngoài, vì thế khi mẫu chân dung Bác được chuyển tới thì họa sĩ nước ngoài khắc lên bản kim loại. Sau khi được chỉnh sửa thì chân dung Bác hoàn chỉnh hơn. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng nói rằng, trong một số mệnh giá in ở nước ngoài, chân dung Bác cũng có điểm chưa ưng ý, nếu nhìn mắt thường không thấy nhưng soi kính lúp sẽ phát hiện được…

Nếu xếp các bộ tiền gần nhau theo thứ tự thời gian sẽ thấy chân dung Bác khác nhau vì có rất nhiều thế hệ họa sĩ vẽ chân dung Bác, đó là chưa kể ảnh Bác dùng làm mẫu cho các họa sĩ được chụp vào những thời điểm khác nhau. Dù vậy, chân dung Bác qua các thời kỳ đều có giá trị thẩm mỹ riêng...

Ở bộ tiền polymer, mắt Bác sáng mà bao dung, trán Bác cao lộ rõ sự thông tuệ, tóc vuốt ngược tỏ rõ sự đàng hoàng của bậc chính nhân quân tử. Nhìn chân dung Bác trong bộ tiền polymer ở các góc độ, xa hay gần đều thấy Bác như một ông tiên. Ông tiên trong tín ngưỡng Việt Nam là bất tử, đó là thành công của bộ tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
75 năm chân dung Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.