Theo dõi Báo Hànộimới trên

7 năm chưa giải quyết xong hậu quả

Tin, ảnh: Trần Lê| 19/12/2013 06:55

(HNM) - Dự án đường Văn Thánh dài khoảng 1.600m, nằm trên địa bàn thôn Phụ Khang (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho tuyến du lịch từ Đền Và đến Khu di tích lịch sử Văn Thánh, đền thờ Phùng Hưng - Ngô Quyền và phục vụ giao thương, phát triển KT - XH của địa phương…

Dự án được khởi công từ năm 2006, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh. Trong quá trình thi công, đất làm đường đã tràn xuống diện tích đất nông nghiệp nằm hai bên đường Văn Thánh, làm ảnh hưởng tới việc canh tác của hơn 100 hộ xã viên Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Đường Lâm, thuộc thôn Phụ Khang. Ông Nguyễn Văn Ty, Phó Chủ nhiệm HTX NN bức xúc: Khoảng 18.000m2 đất hai vụ lúa tại các khu đồng Dộc Vè, Dộc Vàng, Dộc Chung, Đồng Bạc… bị đất đỏ tràn lấp mặt ruộng. Từ năm 2006 đến nay, đã qua 14 vụ cấy trồng, đồng ruộng tại khu vực này bị bỏ hoang, không thể canh tác được.

Một số thửa ruộng ven đường Văn Thánh bị đất tràn lấp, không thể canh tác được.



Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là do đơn vị thi công và các hộ xã viên chưa thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ nên xuất hiện tình trạng hơn 100 hộ thuộc thôn Phụ Khang không nộp sản (gồm các khoản: Công thủy nông, bảo vệ thực vật, giao thông thủy lợi nội đồng) cho HTXNN Đường Lâm. Các hộ này nại lý do "bao giờ được đơn vị thi công bồi thường, sẽ chuyển số tiền đó trả cho HTX" (?).

Theo ông Phó Chủ nhiệm HTXNN Đường Lâm, diện tích đất canh tác của những hộ gia đình còn nợ sản không lớn, mỗi hộ khoảng từ 240m2 đến 360m2, nhưng dồn đọng qua 14 vụ khoản "treo" nợ tới gần 70 triệu đồng. Vài năm nay, HTX buộc phải khất nợ công lao động với những thành viên trong Tổ dịch vụ của HTX vì không có tiền để chi trả.

Được biết, hàng trăm xã viên cùng Ban quản trị HTX và cả chính quyền xã Đường Lâm đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, yêu cầu đơn vị thi công có trách nhiệm hỗ trợ cho nhân dân phần diện tích bị thiệt hại không sản xuất được. Thế nhưng đến nay đã 7 năm trôi qua, đơn vị thi công vẫn không có biện pháp khắc phục, hơn 100 hộ gia đình xã viên HTXNN Đường Lâm mòn mỏi đợi chờ, đất ruộng tiếp tục bị bỏ hoang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 năm chưa giải quyết xong hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.