Trong đó chi phí bảo hiểm, vận chuyển về chân công trình khoảng 4 triệu USD.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) vừa báo cáo kết quả thẩm định phê duyệt dự toán chi phí đoàn tàu của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, trong đó chi phí mua đoàn tàu lên tới hơn 63,2 triệu USD dựa trên Chứng thư thẩm định giá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC.
Theo tờ trình của Ban Quản lý dự án đường sắt gửi Bộ Giao thông Vận tải có 2 phương án mua sắm đoàn tàu, gồm:
Phương án 1 dựa trên cơ sở so sánh, xem xét giá trị đoàn tàu do Tổng thầu lập dự toán, giá trị thẩm tra của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), giá trị dự toán sau khi đã sửa các sai sót và xác định lại tỷ giá, giá trị thẩm định giá của AASC và giá trị báo cáo kết quả đấu thầu của Tổng thầu để đảm bảo tiến độ sản xuất chế tạo đoàn tàu cho dự án với số tiền mua là hơn 63,2 triệu USD (giá trị trọn gói đến chân công trình bao gồm sản xuất, vận chuyển, lắp đặt, thuế hải quan và chưa có hệ thống tín hiệu trên tàu).
Phương án 2 tạm duyệt giá trị dự toán đoàn tàu trên cơ sở tổng mức đầu tư với giá trị là 51,7 triệu USD bao gồm chi phí mua sắm đoàn tàu hơn 47 triệu USD và chi phí dự phòng là 4,7 triệu USD.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của gói thầu nên đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn chưa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt theo phương án nào.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu của hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) thực hiện trên đơn giá theo giá hợp đồng EPC + phần chênh lệch do thay đổi vật liệu vỏ tàu + phần điều chỉnh giá đã được Chính phủ chấp thuận đồng thời giá dự toán đoàn tàu là giá phi thị trường (chưa có ở Việt Nam) nên kiến nghị phê duyệt căn cứ trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC.
Theo đó, kết quả tính toán của AASC xác định số tiền mua sắm đoàn tàu trị giá 63,2 triệu USD theo phương pháp so sánh và đã lựa chọn giá trị trên là hợp lý và phù hợp.
Cụ thể, chi phí sản xuất đoàn tàu (giá thành, bảo hiểm và cước tại cảng Hải Phòng) là 59,2 triệu USD. Chi phí bảo hiểm, vận chuyển tài sản về tới chân công trình tạm tính là 4 triệu USD.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra ý kiến của Thư thẩm định giá, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thấy rằng, về chi phí bảo hiểm, vận chuyển tài sản về tới chân công trình tạm tính theo dự toán do Tổng thầu lập trình Ban Quản lý dự án đường sắt là gần 4 triệu USD sẽ được chủ đầu tư phê duyệt phù hợp với quy định hiện hành và AASC không thực hiện thẩm định giá trị này.
Bên cạnh đó, giá trị chênh lệch thay đổi vật liệu vỏ tàu với giá trị 3,19 triệu USD là giá trị ước lượng. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Tháng 3/2016 sẽ đưa dự án vào hoạt động
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh- Hà Đông, có chiều dài khoảng 13,5km, được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Dự án có tổng mức đầu tư của khoảng 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, trước thuộc Cục Đường sắt Việt Nam nay đã chuyển về Bộ GTVT quản lý. Nhà thầu EPC của dự án là Công ty xây dựng Hải ngoại - Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, tuyến đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội này phải cơ bản xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử để đến tháng 3 năm 2016, dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Hiện để đẩy nhanh tiến độ của dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu trước 15/5, Tổng thầu phải xây dựng xong toàn bộ các hồ sơ dự toán; tất cả các gói thầu phải triển khai đồng loạt, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ một nhà ga làm mẫu để nhân rộng…/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.