Theo dõi Báo Hànộimới trên

60 năm ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô

Thu Hằng| 16/05/2022 07:47

(HNM) - 60 năm trước, Ban Kỹ thuật thành phố, tổ chức tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều cống hiến, đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng trao Cờ và Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội có thành tích trong công tác năm 2021.

Nhiệm vụ và trách nhiệm vẻ vang

Năm 1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ II đã đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đầu tháng 3-1962, Đảng bộ Hà Nội có nghị quyết thành lập Ban Kỹ thuật thành phố.

Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác khoa học và kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Ban Kỹ thuật thành phố được phát triển thành Ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố (4-1978), rồi Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố (8-1983). Tháng 5-1994, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố hợp nhất với Ủy ban Môi trường Thủ đô thành Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hà Nội.

Sau gần 10 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, ngày 10-10-2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 126/QĐ-UB đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đến tháng 8-2008, sau khi hợp nhất với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tây, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày càng lớn mạnh.

Với đòi hỏi Thủ đô phải đi trước cả nước một bước về khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố nhiều giải pháp quan trọng, mang tính đột phá, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và phát triển khoa học và công nghệ; kiện toàn, sắp xếp tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ kế cận; đổi mới quy trình, phương pháp quản lý; xây dựng, phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô...

Không ngừng đổi mới và phát triển

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, nhất là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Cùng với đó quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ. Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ.

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ; được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến. Nhiều nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ được đăng ký chính thức tăng hằng năm. Hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung, cầu; các hội nghị, hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng; các sự kiện quốc tế lớn...

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, tự hào về lịch sử 60 năm xây dựng, phát triển và truyền thống tốt đẹp của ngành, đội ngũ những người làm khoa học và công nghệ Thủ đô hôm nay tiếp tục phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
60 năm ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.