Chúc mừng bạn đã trúng tuyển”, có lẽ là câu nói là dòng mail được mong chờ nhất sau những buổi phỏng vấn căng thẳng. Tuy nhiên, đừng để sự vui mừng nhất thời che mờ lý trí và sự khôn ngoan của bạn, khiến bạn vội vàng đồng ý nhận việc trước khi kịp xác nhận và cân nhắc đến 6 yếu tố sau đây.
Đã chốt mức lương hay chưa?
Có một câu nói tuy đùa mà thật: “Em đi làm vì đam mê. Nhưng đam mê của em là tiền”.
Đừng cho rằng điều đó thật thực dụng bởi vì đó mới là thực tế cuộc sống. Không ai trong chúng ta có thể sống mà thiếu tiền. Tiền cũng có thể là mục đích, là động lực để chúng ta ra đường và “chiến đấu” với công việc cho đến sức cùng, lực kiệt.
Hẳn bạn đã biết mức lương trong tin đăng tuyển trên trang web tìm việc hoặc trao đổi mức lương mong muốn với nhà tuyển dụng ngay từ vòng phỏng vấn nhưng có chắc rằng họ sẽ trả cho bạn đúng mức lương đó hay không?
Để nhận được đáp án đúng cho vấn đề này, trước tiên hãy xem kỹ thư mời nhận việc của bạn. Nếu trong thư không đề cập đến mức lương thì bạn nhất định phải chủ động liên hệ với HR/nhà tuyển dụng để chốt mức lương trước khi đi làm.
Đã được trao đổi về chế độ phúc lợi của công ty hay chưa?
Lương là yếu tố hàng đầu nhưng không đại diện cho tất cả những điều bạn cần quan tâm khi tìm việc. Một công ty có tử tế hay không, có thể gắn bó lâu dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có chế độ phúc lợi.
Vì lẽ đó, bạn cần tìm hiểu xem chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên của công ty đó như thế nào, chế độ trợ cấp, quy định về tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương tháng 13, du lịch hằng năm… và một vài chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên của công ty đó có tốt hay không để có thêm cơ sở đánh giá trước khi đưa ra quyết định đồng hành cùng nhau.
Bạn đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí trong yêu cầu công việc?
Rất ít người thực sự đáp ứng được 100% tiêu chí trong danh sách yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra bởi vì không ai là hoàn hảo. Do đó, bạn không nhất thiết phải đạt điểm 10/10 nhưng hãy bảo đảm rằng, bản thân có thể đáp ứng trên 50% tiêu chí, phần còn lại bạn hoàn toàn có năng lực tự mình học hỏi để hoàn thiện bản thân trong thời gian ngắn và hoàn thành tốt chức trách của mình thì hẵng đồng ý nhận việc từ nhà tuyển dụng.
Có đề cập đến vấn đề làm thêm giờ chưa?
Tăng ca là một vấn đề khá nhạy cảm, nếu xử lý không khéo có thể khiến chúng ta đánh mất cơ hội việc làm mà bản thân phải bỏ bao nhiêu tâm huyết mới đạt được. Do đó, không ít người đã vô tình hoặc cố ý bỏ sót vấn đề này khi phỏng vấn. Trong thực tế, có rất nhiều công ty tăng ca thường xuyên nhưng không chi trả tiền lương ngoài giờ cho nhân viên. Để có một tương lai tươi sáng hơn ở một công ty tử tế hơn, đừng quên tìm hiểu thật kỹ về câu chuyện tăng ca để không còn những đêm chong đèn ở bàn làm việc đến 7, 8h tối nhé!
Văn hóa công ty có phù hợp với bạn hay không?
Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng thao túng tâm sinh lý con người chốn công sở của 4 chữ “văn hóa công ty”. Tin mình đi, bạn sẽ vô cùng khổ sở, chật vật và chìm trong stress mỗi ngày nếu chẳng may “lạc trôi” trong một môi trường có văn hóa không phù hợp với cá tính cũng như phong cách sống và làm việc của bạn. Ngược lại, một công ty có văn hóa hợp gu với bạn sẽ khiến mỗi ngày đi làm của bạn luôn tràn ngập hứng khởi, động lực và niềm vui.
Đó có phải công việc mà bạn yêu thích?
Không ai hiểu bạn bằng chính bản thân bạn. Bạn yêu thích điều gì, bạn thực sự phù hợp với công việc nào chỉ có chính bạn hiểu rõ. Chỉ khi được làm công việc mà mình yêu thích thì bạn mới có thể vui vẻ, hạnh phúc và gắn bó với công việc đó lâu dài.
Khi đến một độ tuổi nhất định, lúc mà con người ta thường cảm thán rằng mình không còn trẻ nữa, chúng ta sẽ muốn tìm một bến đỗ cuối cùng để gắn bó tương lai, sự nghiệp của mình. Vì lẽ đó, hãy chắc chắn rằng, bạn thực lòng yêu thích công việc đó và sẽ cùng nó đồng hành trong một chặng đường dài thay vì tiếp tục tạm bợ, được đến đâu hay đến đó.
Mỗi sai lầm mà chúng ta mắc phải sớm hay muộn chúng ta đều phải trả giá. Để cái giá phải trả không quá nặng nề, thậm chí không cần phải trả bất kỳ cái giá nào cả, hãy luôn đặt ra cho bản thân những câu hỏi trước khi đồng ý với bất kỳ lời mời nhận việc nào từ nhà tuyển dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.