Theo dõi Báo Hànộimới trên

570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn

Thu Trang| 25/01/2023 18:30

(HNMO) - Trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 4 Tết) đã có 570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá (tăng 20% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022).

Chiều 25-1, theo tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ 7h sáng mùng 3 Tết đến 7h sáng mùng 4 Tết, tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn là 117 trường hợp (tăng 60,3% so với cùng ngày Tết Nhâm dần 2022), trong đó 59 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia. Ngoài ra, ghi nhận 1 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến và chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Như vậy, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 4 Tết) đã có 570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá (tăng 20% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022) và chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. Ngoài ra, có 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra khuyến cáo về món bánh chưng – món ăn đặc trưng trong ngày Tết - nếu bị chua, mốc khi ăn vào dễ ngộ độc cấp tính, thậm chí gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Vì vậy, nếu để lâu trong thời gian dài, bánh chưng dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh.

“Với những chiếc bánh bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng… phải kiên quyết bỏ. Những chiếc mới bị mốc chút ít bên ngoài, chúng ta cũng phải cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn. Điều này để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các thành viên trong gia đình”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến lưu ý.

Cùng với vấn đề ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, trong 5 ngày nghỉ Tết, số khám, cấp cứu do tai nạn pháo hoa, pháo nổ cũng tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 377 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, pháo hoa trong 5 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 4), tăng 52% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, 260 ca phải nhập viện, tăng 108% so với cùng kỳ.

Chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn do pháo tự chế phát nổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Ngoài ra, trong 5 ngày nghỉ Tết có 31 ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác (tăng 24%), 19 ca phải nhập viện, 2 ca tử vong.

Liên quan tai nạn giao thông, sau 5 ngày nghỉ Tết có 22.317 ca khám, cấp cứu, tăng 10,1% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó có 8.095 trường hợp phải nhập viện điều trị, 182 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về.

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, tính cả 5 ngày nghỉ Tết đã có tổng cộng 9.754 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động (chiếm 5% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện), trong đó có 14 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, trong 5 ngày nghỉ Tết cũng đã có 2.521 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, trong đó có 1.073 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi (chiếm 43%) và có 7 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.