(HNMO) - Ngày 8 tháng 10 năm nay, nhân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế lại kỷ niệm 57 năm ngày ba thành phố đại diện cho ba miền Bắc – Trung – Nam kết nghĩa tình anh em ruột thịt.
Việc kết nghĩa trên diễn ra đã hơn nửa thế kỷ. Nhiều người trong Ban Vận động kết nghĩa ngày ấy giờ đã về bên kia bầu trời, nhưng tình nghĩa keo sơn giữa ba thành phố thì mãi mãi là “Cây một cội, là con một nhà”. Mỗi lần nhớ về cái ngày đầy tình nghĩa nhân văn, mang đậm bản sắc dân tộc Việt ấy, chúng ta thấy lại mối tình ruột thịt Bắc – Nam, đã sát cánh bên nhau trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong xây dựng phát triển quê hương, đất nước ngày nay.
Thực hiện chủ trương của Đảng và của Ban Thống nhất Trung ương, những người con miền Nam tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Genève, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà thành lập các Ban đồng hương để có nơi sinh hoạt, thăm hỏi, động viên nhau “bớt nỗi nhớ nhà”; để mọi người hăng say lao động, học tập, công tác trong tình yêu thương của đồng bào miền Bắc. Để những việc làm thiết thực ấy đi vào chiều sâu và có ý nghĩa nhân văn, từ đầu năm 1960, lần lượt 31 tỉnh, khu, thành phố lớn ở miền Bắc đã tổ chức kết nghĩa với 31 tỉnh, khu, thành phố lớn ở miền Nam thông qua các Ban đồng hương. Như Nghệ An kết nghĩa với Quảng Ngãi, Hải Phòng với Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Bình Định, Thái Nguyên với Khánh Hòa, Hà Đông với Cần Thơ và Sơn Tây với Tây Ninh…Ba địa phương tổ chức kết nghĩa sau cùng là Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Thể theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, của con em đồng bào Sài Gòn, Huế đang ở Hà Nội, sau một thời gian tích cực chuẩn bị của Ban Vận động kết nghĩa, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã họp và ra nghị quyết tiến hành tổ chức việc kết nghĩa giữa ba thành phố.
Tối 8-10-1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình, lễ kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã được tổ chức trọng thể trong bầu không khí trang nghiêm nhưng vô cùng thắm thiết. Đến dự buổi lễ có hơn 1.000 đại biểu của nhân dân Thủ đô Hà Nội, của hai Hội đồng hương Sài Gòn và Huế, trong đó có các vị: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Bạch, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch, Phan Văn Chương, Dương Bạch Mai, Ngô Thị Huệ, Trang Dung, Hoàng Anh, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Hộ, Hoàng Phương Thảo, Lê Đình Thám, Trần Đăng Khoa, Võ Thị Thể, Trần Duy Hưng, Trần Văn Lai, Phạm Khắc Quảng, Trần Anh Liên, Nguyễn Khoa Diệu Hồng….
Tại buổi lễ, Bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, Trưởng ban Vận động kết nghĩa đã nhấn mạnh: ”Việc kết nghĩa này lại một lần nữa nói lên ý chí sắt đá và quyết tâm thống nhất Tổ quốc của chúng ta”. Và “Vốn nặng tình keo sơn gắn bó từ lâu, nhân dân ba thành phố nhất định từ nay lại càng gần gũi nhau hơn và việc kết nghĩa này nhất định sẽ cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa đồng bào Sài Gòn – Huế trong cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm và thúc đẩy đồng bào Hà Nội càng thêm ra sức xây dựng Thủ đô”.
Thay mặt nhân dân Thủ đô Hà Nội, Bác sỹ Trần Duy Hưng chúc đồng bào Sài Gòn, Huế đạt nhiều thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và trao tặng Ban đồng hương Sài Gòn - Huế hai cuốn sổ kỷ niệm và hai lá cờ thêu tám câu thơ:
Tặng Sài Gòn
Cùng nhau sướng khổ đã từng
Hòa bình thống nhất không ngừng đấu tranh
Muôn năm Hà Nội – Sài Thành
Keo sơn thêm chặt mối tình từ đây
Tặng Huế
Nước non vẫn nước non nhà
Ngó vô Hương, Ngự trông ra Nhị, Nùng
Sắt son xin quyết một lòng
Hòa bình thống nhất ta cùng đấu tranh.
Ông Nguyễn Hộ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn, thay mặt Ban đồng hương Sài Gòn phát biểu, trao tặng Hà Nội và Huế lá cờ thêu tám câu thơ:
Tặng Hà Nội
Chủ nghĩa xã hội đơm hoa
Nghìn năm văn vật đất nhà thêm tươi
Sài Gòn tuy cách phương trời
Hương đưa cây nức lòng người, đấu tranh
Tặng Huế
Người Bến Nghé, kẻ sông Hương
Một lòng chung thủy, một đường đấu tranh
Cùng nhau kết bạn Hà Thành
Non sông thêm chặt mối tình mai xưa
Ông Hoàng Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính TP Huế đã khẳng định:”Huế đã sống qua cuộc Cách mạng Tháng Tám, Huế đã kháng chiến bền bỉ trong 9 năm chống thực dân Pháp xâm lăng, Huế nhất định không bao giờ khuất phục. Huế đã cùng toàn quốc viết những trang lịch sử vẻ vang thì ngày nay noi gương Thành đồng Tổ quốc và được sự cổ vũ của Thủ đô Hà Nội ruột thịt mến yêu, Huế nhất định sẽ cùng toàn quốc viết những trang sử vẻ vang hơn”. Kết thúc lời phát biểu, ông Hoàng Phương Thảo thay mặt nhân dân Huế, tặng các đại biểu Hà Nội và Sài Gòn hai bức trướng thêu câu thơ mà ngày nay nó đã trở thành “lời vàng thước ngọc” cho mọi xử thế của nhân dân ba thành phố và cả nước.
Hà Nội – Huế, Sài Gòn là cây một cội, là con một nhà
Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng thay mặt Ban tổ chức đọc bức thư gửi đồng bào Sài Gòn và Huế: ”Thay mặt nhân dân Hà Nội và tất cả đồng bào Sài Gòn, Huế hiện ở miền Bắc, chúng tôi xin vui mừng báo tin để toàn thể đồng bào ruột thịt Sài Gòn, Huế và đồng bào Hà Nội hiện ở miền Nam biết rằng: Thay mặt nhân dân ba thành phố lớn nhất của đất nước, hôm nay, tại Thủ đô, trong không khí tràn ngập thân tình, chúng tôi làm lễ kết nghĩa anh em giữa ba thành phố Hà Nội – Sài Gòn – Huế. Ba thành phố chúng ta xưa nay vốn nặng tình keo sơn ruột thịt, nhất định từ nay lại càng gắn bó bên nhau. Suốt ba mươi năm Đảng lãnh đạo cách mạng và kháng chiến, phong trào yêu nước sôi nổi ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế đã phối hợp chặt chẽ, luôn luôn giúp đỡ, cổ vũ lẫn nhau…”
Nhân sự kiện tổ chức Lễ kết nghĩa giữa báo Hànộimới, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn Giải phóng là ba tờ báo của ba Đảng bộ và hướng đến kỷ niệm 57 năm Ngày ba thành phố “Hà Nội, Huế, Sài Gòn” kết nghĩa anh em, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số tư liệu về sự kiện diễn ra 57 năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.