50 năm trước, vào ngày 16-7-1969, tàu vũ trụ Apollo 11 đã rời Trái đất, mang theo 3 nhà du hành vũ trụ Mỹ trên đường đến Mặt trăng.
Mặt trăng cách Trái đất hơn 384.000 km, nhưng đối với loài người, hành tinh này ngày càng gần gũi và quen thuộc hơn nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học và giấc mơ chinh phục không gian.
50 năm trước, ngày 16-7-1969, tàu vũ trụ Apollo 11 đã rời Trái đất, mang theo những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên hành tinh xa xôi này, đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại.
50 năm chinh phục Mặt trăng
Apollo 11 là chuyến bay không gian có người lái thứ 5 và cũng là sứ mệnh vô cùng đặc biệt trong Chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Apollo 11 được phóng lên bằng tên lửa đẩy Saturn V từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại đảo Merritt (bang Florida) vào ngày 16-7-1969. 3 nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong, Buzz Aldrin cùng Michael Collins là những người thực hiện trọng trách đưa Apollo 11 đến Mặt trăng an toàn.
Chuyến bay lịch sử này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Mỹ và cộng đồng thế giới. Sau khi được phóng qua tầng khí quyển của Trái đất, tàu Apollo 11 tách ra và tiếp tục chặng đường kéo dài 3 ngày trên hành trình hướng tới Mặt trăng.
Khi đã đi vào quỹ đạo của hành tinh, các phi hành gia điều khiển môđun tiếp cận và hạ cánh tại khu vực Sea of Tranquility (Biển tĩnh lặng) trên Mặt trăng vào ngày 20-7.
Các nhà du hành vũ trụ tiếp tục ở trong môđun 21 tiếng sau khi hạ cánh. Ngày 21-7, phi hành gia Neil Armstrong đã mở cửa môđun, bước ra ngoài và đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt trăng. Armstrong đã có câu nói bất hủ: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại".
Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã dành hơn hai giờ đồng hồ cùng nhau khám phá, chụp hình và thu thập mẫu vật trên bề mặt “chị Hằng” để đem về Trái đất nghiên cứu. Và Buzz Aldrin đã tóm tắt về cảnh quan Mặt trăng cằn cỗi bằng cụm từ ngắn gọn "Sự hoang vu tráng lệ".
Trước khi quay lại tàu, họ đánh dấu sự có mặt của con người bằng cách cắm cờ Mỹ trên Mặt trăng. Ngày 24-7, các phi hành gia Mỹ đã trở về Trái đất an toàn.
Sự kiện vĩ đại này đã được tường thuật trực tiếp và phát sóng trên toàn cầu. Khoảng 600 triệu người trên khắp thế giới theo dõi trực tiếp cuộc đổ bộ của tàu Apollo 11 lên Mặt trăng qua truyền hình.
Sau Apollo 11, Mỹ còn thực hiện thêm 5 sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng với chuyến bay cuối cùng là Apollo 17, mặc dù trước đó NASA đã lên kế hoạch cho 3 nhiệm vụ khác là Apollo 18, Apollo 19 và Apollo 20.
Mới đây, sau 50 năm, NASA đã công bố kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng và sẽ lưu lại trong thời gian dài để khám phá thêm thông tin về hành tinh này. Tuyên bố của NASA cho thấy quyết tâm trong việc khám phá và chinh phục vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.
Một bộ phim tài liệu mang tên "Hạ cánh xuống Mặt trăng: Những thước phim bị thất lạc" với nhiều hình ảnh chưa từng được biết đến về sự kiện này được công chiếu vào dịp kỷ niệm tròn 50 năm con người đặt chân tới Mặt trăng, giúp chúng ta một lần nữa cảm nhận rõ hơn về bước tiến vĩ đại của loài người.
Những bước tiến dài của nhân loại
Năm 1957, với hình dáng của một quả cầu nhôm, vệ tinh Sputnik 1 do Liên Xô cũ chế tạo đã trở thành vệ tinh đầu tiên của thế giới bay vào vũ trụ, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Chỉ 4 tháng sau, người Mỹ cũng đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của họ, Explorer 1.
Cuộc đua chinh phục vũ trụ giữa các cường quốc đã chính thức bắt đầu. Sau các vệ tinh, Liên Xô đã chinh phục thử thách đưa người lên vũ trụ với hành trình bay vòng quanh Trái đất trong 108 phút của phi hành gia Yuri Gagarin vào ngày 12-4-1961.
Chưa đầy 1 tháng sau, người Mỹ cũng đưa nhà du hành Alan Shepherd lên quỹ đạo. Tuy nhiên, chuyến bay chỉ kéo dài trong vòng 15 phút nên Shepherd đã không kịp đi hết 1 vòng Trái đất.
Sau đó, Mỹ lên kế hoạch cho một sự kiện vô cùng táo bạo để trở thành quốc gia đầu tiên chinh phục Mặt trăng. Và Apolo 11 đã làm được điều đó, đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu trong chương trình thực hiện các chuyến bay có người vào không gian của NASA.
Ban đầu, toàn bộ chương trình Apollo xuất phát từ những tính toán chiến lược mang tính chính trị của giới chức Washington. Tuy nhiên sau đó, cuộc đổ bộ xuống Mặt trăng năm 1969, đã mang lại nhiều kết quả quan trong cho nền khoa học của toàn nhân loại, mở đầu cho những cuộc chinh phục sau này.
Thông qua việc quan sát trực tiếp bề mặt Mặt trăng và thu thập được hàng trăm kg mẫu vật từ hành tinh này, các nhà khoa học Trái đất bắt đầu hiểu được thêm về lịch sử hình thành và quá trình vận động của Mặt trăng, thu được những tri thức hoàn toàn chưa được biết đến trước đó.
Sự thành công của dự án Apollo cũng tạo ra cơ hội cho Mỹ và Liên Xô hợp tác với nhau trong chuyến bay quốc tế đầu tiên vào vũ trụ, dẫn đến Dự án Thử nghiệm Apollo-Soyuz được tiến hành vào tháng 7-1975.
Năm 1993, Nga cùng Mỹ và các đối tác châu Âu đã ký hiệp định hợp tác trong các nhiệm vụ chinh phục vũ trụ cũng như việc xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 1998.
Từ thời điểm đó, ISS đã được coi là ngôi nhà chung trên vũ trụ của các nhà du hành và nghiên cứu không gian từ nhiều nước trên thế giới, là cơ sở nghiên cứu khoa học quan trọng, giữ vai trò phát triển mục tiêu tiếp theo cho những chuyến du hành vượt ra ngoài quỹ đạo Trái đất.
Không chỉ dừng ở việc chạm tới Mặt trăng, năm 2018, tại hội nghị khoa học không gian tổ chức tại Riga (Latvia), các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới đã cùng bàn luận về chương trình xây dựng “Làng Mặt trăng” do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xúc tiến.
Theo kế hoạch, “Làng Mặt trăng” ban đầu sẽ là nơi điều phối hoạt động của các robot hoặc máy thăm dò, sau đó sẽ đưa người lên nghiên cứu và trở thành trạm chuyển tiếp cho các kế hoạch khám phá những vùng đất xa xôi hơn trong vũ trụ.
ESA đặt mục tiêu không chỉ có sự hiện diện tạm thời của con người mà còn tham vọng đưa con người định cư lâu dài trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Tại đây, các nhà thám hiểm sẽ sinh sống trên bề mặt Mặt trăng, đồng thời chia thành nhiều đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiên văn học, nghiên cứu sự sống của con người ngoài không gian, sử dụng tài nguyên trên Mặt trăng, thậm chí phát triển kinh tế, thương mại.
Các ý tưởng đối với Mặt trăng cho thấy đã có những bước tiến trong nghiên cứu khoa học cũng như tham vọng của con người trong việc khám phá vũ trụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.