Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm, xử lý 678 người đứng đầu và cấp phó do để xảy ra tham nhũng

Hiền Lương| 06/12/2012 14:32

(HNMO) - Sáng 6-12, tại Hà Nội, Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 11 với chủ đề “công tác PCTN tại địa phương-thực trạng và giải pháp” đã được Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN TƯ phối hợp với đại sứ quán Anh tố chức v

ới sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Nhận diện tình trạng tham nhũng tại các địa phương đang diễn biến rất phức tạp, các đại biểu trong nước và quốc tế đã có nhiều điểm chung khi đề cập đến những giải pháp đối phó, nhất là cần phải hành động thay vì chờ đợi.


Thực trạng phức tạp

Báo cáo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN TƯ cho biết, trong 5 năm qua (2007-2012), công tác PCTN ở địa phương có nhiều chuyển biến, nhưng thực trạng tham nhũng vẫn rất phức tạp, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Hầu hết các nội dung công tác PCTN còn có những hạn chế nhất định.

Chẳng hạn, việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có tiến bộ đáng kể, tiêu biểu là 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành công bố công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Tuy nhiên, công khai, minh bạch ở một số mặt như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng… còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Qua kiểm tra, đã phát hiện 1.704/23.522 cơ quan, đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Về xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua kiểm tra đã phát hiện 897 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 1015 cán bộ, công chức, viên chức; xử lý hình sự 64 cán bộ, công chức, viên chức.

Ngay như việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong 5 năm qua, cả nước đã có 678 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, nhưng Văn phòng BCĐ cho rằng, còn rất ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Chưa kể, nhiều nơi còn nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn còn nhiều vướng mắc nên khó thực hiện. Đây cũng là câu chuyện tương tự của công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử: kết quả đạt được còn thấp, nhiều vụ việc xử lý chậm, kéo dài.

Cùng với Văn phòng BCĐ PCTN TƯ, các đại biểu trong và ngoài nước cũng thống nhất đánh giá, việc phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, MTTQ và trách nhiệm của toàn xã hội vẫn còn hạn chế. Một trong những ví dụ cụ thể là HĐND các cấp còn phụ thuộc về nhiều mặt vào UBND cùng cấp, chưa kể các thành viên HĐND phần đông tham gia công tác cho UBND và các doanh nghiệp thì làm sao họ có quyền hạn, chuyên môn và nhất là tính độc lập để thực hiện tốt việc giám sát.

Phải có quyết tâm chính trị

Các đại biểu quốc tế như đại diện đại sứ quán Canada, Australia, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), UNDP, tổ chức Hướng tới minh bạch (Toward Transparency)… đã khẳng định sẽ hết sức hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu PCTN.

Tuy nhiên, các đối thác này cho rằng, để công tác PCTN ở địa phương tiến bộ, phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, trước tiên cấp chính quyền địa phương phải có quyết tâm chính trị thúc đẩy công tác này, song song với việc chú trọng, nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực trọng yếu trong PCTN. Đặc biệt là phải hành động ngay, không chờ đợi đến khi hệ thống pháp luật hoàn thiện, cải cách thể chế hoàn thành.

Đại diện Đại sứ quán Australia cho rằng, Việt Nam nên tập trung thiết lập các cơ quan giám sát mang tính độc lập để không xảy ra tình trạng lạm quyền trong các cơ quan nhà nước địa phương. Đại diện ADB đề nghị chú trọng vào việc kê khai tài sản, cải cách dịch vụ hành chính.

Ông Renwick Irvine, Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) cho rằng, Việt Nam cần phải tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp tham gia tích cực vào việc giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền. Song song với việc cải cách cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Ông Renwick đặc biệt nhấn mạnh vai trò của báo chí khi coi đây là “đồng minh quan trọng” trong PCTN. Nhà nước cần tạo điều kiện để báo chí tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp, người làm báo được bảo vệ trong quá trình tác nghiệp. Đặc biệt, cần tạo ra cơ chế đặc thù để có thể miễn xử lý hình sự khi người làm báo mắc sai lầm trong khi tác nghiệp.

Mang đến cuộc đối thoại kinh nghiệm từ thực tế công tác PCTN, ông Ronald MacLean Abaroa, nguyên thị trưởng thành phố La Paz (Bolivia) cho rằng có hai biện pháp mà chính quyền địa phương cần làm để giảm thiểu tham nhũng: “Thứ nhất áp dụng biện pháp cạnh tranh ở bất cứ đâu có thể, nhằm xóa bỏ việc ra quyết định một cách độc đoán. Hai là đưa người dân tham gia vào việc đưa ra các giải pháp đối phó với tình hình tham nhũng”.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ở Việt Nam, theo pháp luật hiện hành, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có vai trò rất lớn trong quản lý xã hội, được quản lý đất đai, tài nguyên, được bổ nhiệm cán bộ... Với quyền lực như vậy, chính quyền địa phương vừa là nơi dễ nảy sinh tham nhũng, cũng là nơi có vai trò quan trọng trong PCTN. Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục tăng cường trách nhiệm đối với chính quyền địa phương, các bộ, ngành TƯ. Chính phủ Việt Nam cam kết tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế, đồng thời chủ động đẩy mạnh công tác PCTN nói chung và ở cấp địa phương nói riêng. Phó Thủ tướng cũng cho biết, công việc sắp tới là tích cực triển khai Luật PCTN sửa đổi và nhất là Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tiến nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 năm, xử lý 678 người đứng đầu và cấp phó do để xảy ra tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.