Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, Hà Nội đã hoàn thành 32/35 chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình).
Thành công của Chương trình không chỉ giúp thay đổi diện mạo đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà còn từng bước đưa khu vực khó khăn này tiến kịp, tiến cùng sự phát triển của Thủ đô.
Báo Hànộimới giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết: “5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô”.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai thực hiện Chương trình. Trong 5 năm qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, sự vào cuộc của các địa phương, nhiều thôn, làng như được tiếp thêm sức sống mới, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi ngày một đủ đầy, ấm no hơn.
Thành phố Hà Nội có trên 107.000 người DTTS thuộc 50/53 thành phần DTTS, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào DTTS sinh sống đan xen cùng người dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%, còn lại là các DTTS khác.
Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng tại 13 xã và 1 thôn (thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn thành phố. Vùng đồng bào DTTS của thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Những năm qua, công tác dân tộc luôn là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Vì thế, nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Đảng và Nhà nước ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Cùng với Nghị quyết số 88/2019/QH14 triển khai thực hiện từ năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Theo đó, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030.
Căn cứ vào 10 dự án nêu trong Nghị quyết 88/2019/QH14 và đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội đã đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Kế hoạch 253/KH-UBND đề ra là phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững. Kế hoạch nhấn mạnh việc phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS, thu hẹp dần, tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, trong 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa… vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. Trong đó, nội dung 4 của Kế hoạch 253/KH-UBND về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” là một trong những nội dung có tác động nhiều nhất đến đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi của 5 huyện.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa..., đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Minh Quang là một xã miền núi của huyện Ba Vì, nằm cách trung tâm huyện 30km, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70km. Có thời điểm, tỷ lệ hộ nghèo ở xã dân tộc miền núi này ở mức rất cao, thậm chí bình quân cứ 10 gia đình có 1 hộ nghèo. Thế nhưng, giờ đây, Minh Quang lại trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội khi đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 12-2024 và đang hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Ba Vì.
Năm nay gần 75 tuổi, ông Nguyễn Văn Đệ, người có uy tín của thôn Lặt (xã Minh Quang) cảm nhận được rõ nét những đổi thay trên mảnh đất mà bản thân gắn bó cả một cuộc đời. “Khoảng 95% đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã tham gia bảo hiểm y tế. Trong thôn không còn hộ nghèo, không còn gia đình nào phải sống trong nhà ở tạm bợ, dột nát như trước đây…”, ông Nguyễn Văn Đệ phấn khởi nói.
Chia sẻ về những kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước cho biết, xã có diện tích tự nhiên lớn với hơn 2.800ha; hơn 3.400 hộ dân sinh sống tại 15 thôn. Trong đó, hơn 40% dân số sinh sống trên địa bàn là đồng bào dân tộc Mường. Những năm trước, đời sống kinh tế - xã hội của người dân Minh Quang gặp nhiều khó khăn. Đường giao thông chưa được đầu tư mạnh, người dân sản xuất nông nghiệp là chính nhưng không mấy hiệu quả, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Thực hiện Chương trình, xã Minh Quang được thành phố đầu tư 8 dự án, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản gồm: Trường học (trung học cơ sở, mầm non); trung tâm y tế; đường giao thông nông thôn; hệ thống kênh mương nội đồng và hồ đập tích trữ nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
“Nhiều dự án hoàn thành đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân nơi đây. Toàn bộ 15 thôn đều có nhà văn hóa và các thiết chế phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Mới đây, chúng tôi còn được thành phố quan tâm tu sửa 5 nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa, thể thao nên người dân ai cũng phấn khởi”, ông Nguyễn Mạnh Thước chia sẻ.
Triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025, huyện Ba Vì được thành phố phân bổ 87 dự án, với tổng kinh phí cấp từ năm 2021 đến nay là 1.349.870 triệu đồng. Đến nay, huyện đã được thành phố bố trí 86 dự án, kinh phí 1.326.870 triệu đồng, ngân sách huyện đối ứng là 19.399 triệu đồng để thực hiện Chương trình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, từ nguồn ngân sách hỗ trợ của thành phố trong thực hiện Chương trình, huyện đã triển khai các nội dung, dự án đúng mục đích, đối tượng.
“Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt tại các xã vùng DTTS và miền núi”, ông Nguyễn Đức Anh cho biết.
Những ai lâu không có dịp trở lại xã An Phú (huyện Mỹ Đức) không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay của vùng đất “chân chim bóng núi” một thời. Con đường đất chạy xuyên qua những ngọn đồi giờ được thay thế bằng đường trải nhựa dẫn thẳng về trụ sở UBND xã. Xã An Phú là xã dân tộc miền núi duy nhất nằm ở phía Tây Nam huyện Mỹ Đức, với 13 thôn, dân số 10.020 người, trong đó, người DTTS chiếm 57%, chủ yếu là người dân tộc Mường.
Ông Nguyễn Xuân Lập (thôn Thanh Hà, xã An Phú) cho biết, niềm vui lớn nhất là con em học sinh trên địa bàn không còn phải lặn lội hàng chục cây số để đến trường, nhờ những ngôi trường được đầu tư xây dựng mới. “Ban đêm, đường làng ngõ xóm sáng trưng ánh đèn. Hội họp giờ đã có nhà văn hóa khang trang, rộng đẹp. Việc khám, chữa bệnh cũng không còn phải vất vả đường xa lên trung tâm huyện…”, ông Nguyễn Xuân Lập chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho rằng, thành công lớn của Chương trình là từng bước thu hẹp khoảng cách giữa xã vùng DTTS và miền núi với xã nông thôn trên địa bàn huyện. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi cũng được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn.
Kế hoạch số 253/KH-UBND đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được các mục tiêu sau: Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2025 cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố.
Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa 65%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80-85%; 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.