(HNM) - Mong muốn ngừng thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn dường như đang chiếm phần lớn. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Trên cơ sở bước đầu đánh giá 5 năm thực hiện việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, gần đây một số địa phương đã bày tỏ mong muốn không tiếp tục thực hiện mô hình này. Tỉnh Thanh Hóa, nơi có 373 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là một trong những địa phương đầu tiên đưa ra đề nghị này. Nhiều cấp ủy địa phương ở Vĩnh Phúc, Bình Định, Phú Thọ, Nghệ An… cũng bày tỏ mong muốn tương tự. Trong khi đó, Hải Phòng và Bắc Giang thậm chí đã giải thể hàng loạt chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.
Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn còn nhiều bất hợp lý dẫn đến chưa khẳng định được vai trò, tác dụng đối với thực tiễn đời sống. |
Tại Hà Nội cũng xuất hiện hai luồng ý kiến về mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Qua tìm hiểu, một số nơi ở huyện Chương Mỹ, quận Long Biên, quận Hà Đông bước đầu ghi nhận tác dụng của loại hình chi bộ này và ủng hộ việc duy trì hoạt động, nhưng cần phải có sự điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều quận, huyện khác như Phú Xuyên, Mê Linh, Đống Đa… đông đảo cán bộ, đảng viên không muốn duy trì loại hình chi bộ này. Sự kém mặn mà với loại hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trên đây có nguyên nhân trực tiếp từ lúng túng của các địa phương trong cách tổ chức hoạt động của các chi bộ này. Hầu như địa phương nào khi nói đến mô hình này cũng quan ngại về sự trùng lắp trong nội dung hoạt động giữa chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn với đảng ủy xã, phường, thị trấn. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng tháng, phương hướng nhiệm vụ tháng sau, cho đến việc ra chỉ thị, nghị quyết, kết luận tại các cuộc họp chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn thường chung chung. Có trường hợp do không nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, bí thư chi bộ lại sa đà vào việc đánh giá hoạt động của đảng ủy, UBND; không xác định đúng nội dung, rất dễ rơi vào tình trạng nghị quyết của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trở thành nghị quyết của đảng ủy. Điều này một phần do tính chủ động và ý thức trách nhiệm trong các chi bộ còn hạn chế, nhưng phần quan trọng là do chưa có quy định đầy đủ, thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, cách thức hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.
Việc thành lập các chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn còn khiến dư luận lo ngại dễ làm cho cán bộ xa dân do việc chuyển sinh hoạt đảng từ chi bộ khu dân cư về chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Một số cấp ủy ra nghị quyết và phân công đảng viên là cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn định kỳ xuống dự sinh hoạt ở chi bộ cơ sở thì ít nhiều khắc phục được tình trạng này, nhưng tình trạng đảng viên xa dân là không tránh khỏi. Không ít đảng viên xao nhãng việc "bám cơ sở" dẫn đến có biểu hiện quan liêu khiến không ít chi bộ thôn, tổ dân phố, khu dân cư vi phạm pháp luật nhưng đảng ủy xã, phường, thị trấn không biết, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Những bất hợp lý trên đây còn kéo theo nhiều vấn đề đặt ra đối với hoạt động của loại hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đòi hỏi phải được giải quyết. Đó là tình trạng cán bộ, đảng viên chưa tuân thủ nghiêm sinh hoạt đảng; một số nơi không phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Việc lựa chọn nhân sự cấp ủy thiếu thống nhất, có nơi lựa chọn người không đủ năng lực. Nhiều nơi như Hải Phòng và Bắc Giang, ở các chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn có hiện tượng đảng viên xuê xoa, "dĩ hòa vi quý" trong sinh hoạt chi bộ. Đảng viên cùng là cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể thường quan niệm "đóng cửa bảo nhau", hiệu quả tự phê bình và phê bình thấp. Không tháo gỡ được những "nút thắt" trên đây, chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn sẽ không phát huy, khẳng định được vai trò, tác dụng đối với thực tiễn đời sống. Trước thực trạng trên, trung ương cần sớm đánh giá, có biện pháp tháo gỡ và chỉ đạo tiếp theo đối với mô hình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.