Tiền bạc chỉ là công cụ, là thứ để đảm bảo bạn có thể tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, với nhiều người, nó lại là ngọn nguồn của stress.
Hãy xem lại cách bạn tiêu tiền - Ảnh: Medium |
1. Bạn tiêu tiền bất cứ khi nào muốn: Bạn từng đi mua sắm xả stress sau khi cãi nhau với chồng, hay sau một ngày chán nản ở công sở?
Đó là điều hết sức bình thường. Nhưng mỗi lần thấy buồn quá, vui quá, hay cô đơn quá, bạn lại đi mua sắm? Shopping theo cảm xúc như vậy sẽ trở thành một thói quen xấu.
Tìm ra lý do muốn shopping là điều đầu tiên để giải quyết vấn đề. Tiếp đó là tìm cách xử lý. Ví dụ, bạn kiếm được một khách hàng lớn cho công ty và muốn tự thưởng cho mình một món đồ. Hãy tự hỏi mình, việc mua sắm này có ảnh hưởng tới mục tiêu trong tương lai hay không? Liệu còn cách nào tốt hơn để tiêu món tiền đó không?
Thay vì thế, sao bạn không mời bạn bè đi cà phê hay ăn trưa để ăn mừng thành công? Hoặc một cách nào khác như đi dạo, hay gọi điện buôn với bạn?
Ảnh: Inman |
2. Đời mất vui khi bạn không thể ngừng nghĩ đến tiền: Một số người tiêu tiền để mua vui, số khác lại thấy tiền bạc là nguồn gốc của sự đau khổ. Tài khoản ngân hàng là thứ đầu tiên họ kiểm tra khi thức dậy, và cũng là thứ cuối cùng họ xem trước khi đi ngủ.
Điều này tước đi niềm vui và tạo thêm stress cho chính bạn.
Hãy tìm một người bạn hoặc họ hàng mà bạn có thể tin tưởng, rồi tâm sự với họ. Điều này không làm món nợ của bạn biến mất, cũng không giúp bạn kiếm thêm tiền, nhưng nó sẽ giúp bạn cân bằng được cảm xúc để tìm cách vượt qua.
3. Bạn phải giấu giếm khi mua sắm: Nếu bạn thường xuyên phải giấu bạn đời khi mua sắm, có nghĩa là việc mua sắm của bạn có vấn đề. Việc này tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình bạn.
Cả hai nên chia sẻ về mục tiêu tài chính, như kế hoạch đi du lịch, hay tiền mua nhà trả góp. Bạn cũng nên đặt ra giới hạn chi tiêu, cùng xem xét các khoản mua sắm có giá trị cao trước khi quyết định.
Ảnh: Shutterstock |
4. Bạn có một đống hóa đơn trên bàn chưa mở: Bản chất con người là đi tìm kiếm niềm vui và trốn tránh nỗi buồn. Nếu chuyện tiền bạc làm bạn đau đầu, bạn sẽ muốn lảng tránh nó. Vấn đề là bạn cần phải ý thức được chuyện gì đang xảy ra với tiền bạc.
Điều đầu tiên là đối mặt với vấn đề, hệ thống lại các tài khoản, thẻ tín dụng và các khoản nợ. Tiếp đó, hãy lên kế hoạch xử lý. Nếu bạn không muốn stress, hãy tập trung trả các món nợ nhỏ trước, hoặc các món nợ có lãi suất cao.
5. Bạn không muốn bỏ lỡ điều gì: Từ những kỳ nghỉ đắt đỏ, những bữa ăn hàng xa xỉ, hay tiệc tùng cuối tuần, bạn đều không muốn bỏ qua mặc dù tình hình tài chính không cho phép.
Hãy cân nhắc đến nhu cầu bản thân để tiết kiệm tiền bạc. Thay vì hẹn hò đi ăn tối, bạn có thể chọn cách đi cà phê. Bằng cách này, bạn sẽ làm chủ tiền bạc, chứ không để tiền bạc chi phối mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.