Để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
Đó là thông tin được ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam chia sẻ tại buổi trao đổi với báo chí ngày 5-7.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, tính tới thời điểm đầu tháng 7-2023, 6 quận trung tâm Hà Nội đã bố trí và bàn giao đủ trạm xe. Công ty đã thi công hoàn thiện 16 trạm và đang tiếp tục tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ 63 trạm còn lại. Theo tiến độ, mỗi ngày công ty có thể sơn kẻ 3 trạm. Dự kiến tới ngày 10-8, toàn bộ 79 trạm xe sẽ được hoàn tất.
Hiện, 100 chiếc xe đạp điện đầu tiên đang trên đường vận chuyển về Hà Nội, Công ty Trí Nam sẽ tiến hành kiểm tra, lắp đặt, vận hành thử trong vòng 2 tuần. Tiếp đó, tới cuối tháng 8-2023, dự án có thể được chính thức khai trương để phục vụ người dân Thủ đô ngay trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới.
Để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
"Trong quá trình vận hành, Trí Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện trước khi nhập lô xe điện gồm 400 chiếc tiếp theo về", ông Đỗ Bá Dân cho biết.
Trước đó, vào tháng 6-2022, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận để Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành nhằm đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy phát triển du lịch.
Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh, sinh viên, khách du lịch… Xe đạp công cộng sẽ giúp đi lại trong nội đô Hà Nội, kết nối giữa bến xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, mua sắm…
Giai đoạn 1 của dự án, Công ty Trí Nam sẽ đưa 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện vào vận hành trên địa bàn 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Theo dự kiến, tháng 9-2022, những chiếc xe đầu tiên của đề án sẽ được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Bá Dân, dự án bị chậm tiến độ là do các vấn đề về kỹ thuật. Cụ thể, dự án được triển khai tại Hà Nội là một mô hình hoàn toàn mới so với các tỉnh đã triển khai do có thêm xe đạp trợ lực bằng động cơ điện (xe đạp điện). Do đó, phía Trí Nam phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu về cả kỹ thuật, quản lý lẫn vận hành.
Do điều kiện đặc thù, nên xe đạp điện tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về cơ khí (không gỉ sét, hệ thống phụ kiện không thể dễ dàng tháo mở); điều kiện về pin, chuẩn hóa quy trình vận hành... Bên cạnh đó, công ty tìm ra những loại xe đáp ứng tiêu chuẩn về trọng lượng, điều kiện vận hành khi đang giữa đường hết pin vẫn có thể đạp bằng cơ để di chuyển về bến đỗ gần nhất.
Công ty Trí Nam đã 4 lần đưa các mẫu xe về để kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Có giai đoạn tưởng thành công, nhưng đơn vị đầu tư lại phát hiện các tiêu chuẩn không phù hợp nên tiếp tục cải tiến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.