Theo dõi Báo Hànộimới trên

46 lao động Việt Nam bị chủ người Nhật Bản lừa sang Thái Lan

Theo VOV| 24/03/2015 19:49

Đây là vụ lừa đảo đưa người Việt Nam sang lao động tại Thái Lan có số lượng nạn nhân nhiều nhất từ trước đến nay tại nước này.


46 nạn nhân Việt Nam bị lừa sang lao động tại Thái Lan hiện đang được các nhà chức trách Thái Lan lấy lời khai về việc họ bị lừa đảo sang lao động tại Thái Lan. Đây là vụ lừa đảo đưa người Việt Nam sang lao động tại Thái Lan có số lượng nạn nhân nhiều nhất từ trước đến nay tại nước này.

Bí thư thứ nhất Bảo hộ công dân Trần Mạnh Hùng (đeo kính) khẳng định Đại sứ quán sẽ hỗ trợ tối đa các nạn nhân vụ lừa đảo


Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang có các bước đi cần thiết nhằm giúp đỡ số nạn nhân này cũng như phối hợp với chính quyền Thái Lan giải quyết vụ việc. Những điều tra ban đầu và lần đầu được công bố của phóng viên VOV cũng cho thấy, phía Thái Lan cho rằng, trong nhóm 46 nạn nhân này, có một đồng phạm của chủ mưu vụ lừa đảo người Nhật Bản.

Bơ vơ nơi xứ người
46 người Việt Nam phần lớn quê ở Hải Dương và một số tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ... đang trong tình cảnh rất khó khăn khi bị lừa sang lao động tại Thái Lan. Nhiều người trong tình trạng không còn tiền trả nhà trọ, tiền điện, nước cùng nhiều khoản chi phí thiết yếu của cuộc sống. Nguy hiểm hơn nữa, theo tìm hiểu của phóng viên VOV, họ đang đối mặt với luật pháp Thái Lan khi cảnh sát Thái Lan cho rằng, đây là những lao động bất hợp pháp tại Thái Lan, một số nạn nhân còn trở thành đối tượng lưu trú bất hợp pháp.

Nhóm nạn nhân này sang Thái Lan thành nhiều đợt bằng đường bộ, đợt đầu tiên vào ngày 11/12/2014, trong số họ không ít người có học vấn, nhưng tất cả đều bị mất tỉnh táo trước việc được sang làm việc tại Thái Lan với mức lương 1.000 USD/tháng.
Một nạn nhân cho biết, qua giới thiệu của bà Nghiêm Thị Thùy ở Hải Dương về một dự án tuyển lao động làm việc tại Thái Lan với mức lương cao, chị cùng một số người thân cố vay mượn để đủ tiền mang sang Thái Lan, hy vọng có thể đổi đời khi được lao động. Rất nhiều nạn nhân trong vụ việc này đều quen biết hoặc làm cùng một công ty trước đây với Thùy ở Hải Dương.

Đối tượng Nghiêm Thị Thùy (bìa phải) cho rằng, bản thân cũng là nạn nhân vụ việc


Theo bản hợp đồng tuyển dụng lao động ký với công ty STO, có trụ sở tại Nhật Bản do ông Sato Hiroaki làm Giám đốc, mỗi người được tuyển dụng phải đóng 3.000 USD phí làm visa lưu trú và thẻ lao động bên Thái Lan, 500 USD các loại phụ phí và 1.000 USD đặt cọc. Sang Thái Lan, người lao động được đào tạo nghề trong khi không phải trả tiền nhà ở, tiền điện, nước.

Trước sức hấp dẫn của bản hợp đồng, nhiều nạn nhân đã dần sa vào lưới lừa đảo đang giăng sẵn một cách tinh vi ở Thái Lan.

Kịch bản hoàn hảo

Có lẽ thiệt hại nhất trong vụ việc này là Nghiêm Thị Thùy, bởi cô vừa là nạn nhân, vừa có thể là kẻ tòng phạm của những kẻ chủ mưu vụ lừa đảo với phương thức "lấy mỡ nó rán nó". Thùy được Giám đốc Sato giao nhiệm vụ đưa đón các nạn nhân khi họ sang Thái Lan và quản lý họ trong thời gian đầu ở Thái Lan.
Các nạn nhân được thông báo sẽ được ký hợp đồng với công ty STO của Nhật Bản và được nhận vào làm việc tại các công ty Nhật Bản tại Thái Lan. Thời gian đầu ở Thái Lan đã có Nghiêm Thị Thùy làm quản lý, giúp đỡ nên các nạn nhân rất yên tâm. Do quy định khi nào sang Thái Lan và chỉ phải đóng tiền trước khi làm việc, nên kịch bản lừa đảo của Sato đã qua mặt được những người khó tính nhất. Tuy nhiên khi ở Bangkok được một thời gian, những nạn nhân được đưa tới tỉnh Pathumthani, nằm cách Bangkok 60km về phía Bắc. Quả thật sau khi bắt tay vào học việc, một số nạn nhân được trả lương. Hơn thế nữa, một nạn nhân là Hoàng Văn Đạt còn được lo cho visa cư trú 3 tháng. Tất cả như những miếng mồi thơm, từng nhóm một, các nạn nhân từ Việt Nam dần đưa nhau sang Thái Lan mong tìm kiếm được công việc lương cao mà chỉ nửa năm là hồi vốn đầu tư.

Ông Trần Mạnh Hùng và phóng viên VOV tại buổi làm việc với Thiếu tướng Montree Yimyam- Giám đốc cảnh sát tỉnh Pathumthani


Từng là một tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, Trần Minh Tuân cho chúng tôi biết, anh rất yên tâm với công việc mới của mình ở Thái Lan mặc dù chẳng biết mình sẽ làm gì, bởi sang Thái Lan để học nghề rồi mới làm. Khi đến Thái Lan, nhìn cơ ngơi nhà xưởng không như những nhà máy hiện đại cho lắm nhưng dẫu sao thì cũng tạm ổn. Nhóm các anh được phân công học việc phá dỡ các linh kiện trong thiết bị điện tử cũ, phân loại để thu hồi kim loại, nhựa... Hàng tuần cũng có ô tô đưa hàng đến và chở hàng đi. Mọi giao dịch với chính quyền được thông qua một người Thái Lan tên Keo. Nhà trọ thì nằm trong một khu ở lẫn với người Thái nhưng nhóm 45 người Việt được sắp xếp ở gần nhau và hết tháng vẫn thấy được ở. Mọi việc diễn ra thật bình thường như trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên các nạn nhân bắt đầu lờ mờ nhận ra sự thật khi bị chậm trả lương.

Ba tháng đất khách mới biết bị lừa
Kinh hoàng khi được chủ nhà thông báo thời hạn thuê trọ sắp hết và phải trả phòng nếu không đóng tiền tiếp, nhưng nạn nhân bắt đầu lờ mờ nhận ra sự việc, tiếp đó chủ nhà xưởng cũng cho biết, sẽ thu hồi do thời hạn thuê sắp hết. Qua Thùy, mọi người được biết Sato cũng dần tránh mặt, hạn chế nhận điện thoại. Người quản lý Thái Lan tên Keo cũng dò hỏi chuyện đóng tiền làm visa trên đất Thái, chuyện nhận lương của lao động Việt Nam và cho rằng, họ đang bị Sato lừa đảo.

Qua tìm hiểu nhân vật và nói chuyện trực tiếp với Keo, chúng tôi được biết, bản thân Keo cũng mới được Sato thuê làm quản lý một tháng trở lại đây với mức lượng 800 USD/tháng, một mức lương cũng hấp dẫn tại Thái Lan bởi chỉ phải xuất hiện khi ông chủ cần có mặt để giải quyết công việc cần thiết với phía chính quyền hay hỗ trợ nhóm lao động. Tuy nhiên khi biết lương của những "nhân viên" lao động giản đơn của mình cao ngất ngưởng, Sato cũng dần tránh mặt. Lúc đó Keo bắt đầu nghi ngờ, Keo đã báo chính quyền Thái Lan.

Đại sứ quán Việt Nam vào cuộc
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tập trung tìm hiểu sự việc và phối hợp với chính quyền Thái Lan nhằm hỗ trợ những nạn nhân vụ lừa đảo cũng như truy tìm kẻ cầm đầu. Tại cuộc gặp mới đây với các nạn nhân này, ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân đã thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, kịp thời trấn an tinh thần những nạn nhân Việt Nam cũng như đề nghị đối tượng Nghiêm Thị Thùy thông tin đầy đủ sự việc với chính quyền Thái Lan.

Sau buổi làm việc với các cấp chính quyền Thái Lan, ông Hùng cho biết, đã chính thức đề nghị phía Thái Lan nhanh chóng điều tra vụ việc, bắt giữ thủ phạm vụ lừa đảo và giữ nguyên hiện trạng nhóm lao động Việt Nam, đồng thời cử cảnh sát đến đảm bảo an toàn cho số nạn nhân Việt Nam này. Do mới bắt đầu tìm hiểu vụ việc nên chưa thông tin rộng rãi nhằm phục vụ công tác điều tra, tránh để rút dây động rừng. Do Sato là người Nhật Bản nên phía Thái Lan rất cẩn trọng và họ phải có trong tay đủ chứng cứ thì tòa mới có thể ra lệnh tạm giữ theo luật định.

Trao đổi với phóng viên VOV, Thiếu tướng Montree Yimyam, Giám đốc cảnh sát tỉnh Pathumthani cho rằng, đây là vụ lừa đảo xuyên quốc gia nhưng hành vi cấu thành tội phạm xảy ra tại Việt Nam. Phía Thái Lan sẽ công bố thông tin vụ việc sau khi cuộc điều tra kết thúc.

Hoạn nạn mới thấu tấm lòng
Sau khi biết được đây là những người Việt Nam bị lừa đảo, nhiều người dân Thái Lan xung quanh nơi xóm trọ đã quyên góp tiền bạc, nấu ăn từng bữa cho các nạn nhân sống qua ngày. Nhiều nạn nhân cho phóng viên VOV biết, chính những tình cảm chân thành của người dân nơi đây đã nhen nhóm niềm tin và quyết tâm hợp tác với chính quyền Thái Lan để có thể bắt được kẻ chủ mưu và được nhận lại những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hôm nay 24/3 cũng cho biết, sẽ dành sự quan tâm cao nhất để phối hợp với chính quyền Thái Lan giải quyết vụ việc, bảo hộ công dân đối với những nạn nhân này.

Bữa cơm đạm bạc hàng ngày của các nạn nhân có được do tiền quyên góp của người dân Thái Lan quanh xóm trọ


Qua quan sát trực tiếp của phóng viên  hôm 23/3, chính quyền Thái Lan đã cử cảnh sát bảo vệ 24/24 khu vực xóm trọ nơi 45 nạn nhân đang ở trọ tại tỉnh Pathumthani.
Không để tái diễn vụ việc tương tự

Hiện giữa Việt Nam và Thái Lan chưa có thỏa thuận về hợp tác lao động. Hai bên cũng đang xem xét giải quyết hàng chục ngàn trường hợp lao động bất hợp pháp Việt Nam đang ở Thái Lan. Vì vậy việc tuyển chọn đi lao động phổ thông tại Thái Lan dưới hình thức công ty tại Việt Nam hay sang Thái Lan dưới hình thức du lịch để tìm việc làm cho đến thời điểm hiện nay đều có thể là lừa đảo. Người lao động Việt Nam cũng cần chú ý là hiện nay hai nước đang hợp tác tích nhằm đạt được bản thỏa thuận hợp tác lao động hay biên bản ghi nhớ hợp tác lao động và sẽ sớm công bố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thức.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
46 lao động Việt Nam bị chủ người Nhật Bản lừa sang Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.