(HNM) - Đó là con số được đưa ra tại hội nghị triển khai Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức ngày 12-6.
Theo thống kê, mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra khoảng 350 tấn chất thải rắn, 150.000m3 chất thải lỏng. Hiện tại, 73,3% BV tuyến tỉnh, huyện đã xử lý chất thải y tế nguy hại bằng lò đốt tại chỗ hoặc bằng lò đốt tập trung cho cụm BV. Còn lại, 26,7% BV tuyến huyện sử dụng tạm thời các biện pháp: thiêu đốt chất thải y tế nguy hại ngoài trời, chôn lấp trong khuôn viên BV, chôn lấp chất thải y tế nguy hại ở bãi chôn lấp chung của địa phương…
Báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, hiện có khoảng 74% BV tuyến trung ương, 40% BV tuyến tỉnh và 27% các BV tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên các hệ thống này đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Mặc dù đề án tổng thể về việc xử lý chất thải y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 11-2011, nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện đề án trên chưa thực sự đồng bộ và hệ thống pháp luật xử lý vi phạm còn bất cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.