(HNM) - Hôm nay (24-11) vừa tròn 34 năm Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội ra đời. Sự kiện này là dịp nhìn lại một địa chỉ xuất bản vừa mang đậm dấu ấn Hà Nội vừa gắn bó với những thăng trầm của đời sống xuất bản thời gian qua.
Bản sắc trong thời đại cạnh tranh
Nhắc đến NXB Hà Nội là phải nhắc đến hai điểm nhấn lớn trong quá khứ và hiện tại đó là những thế hệ biên tập viên "vàng" cùng các cộng tác viên, đối tác là văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi đã làm nên thương hiệu NXB; và dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (quy mô nhất về sách Hà Nội từ trước tới nay, giai đoạn I hoàn thành năm 2010) hiện đang ở vào giai đoạn II.
Sách của NXB Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. |
Ngay sau khi ra đời, mặc dù thuộc địa phương nhưng với vai trò của một NXB tổng hợp và đặc biệt là vai trò của một đơn vị mang tên gọi Thủ đô, NXB Hà Nội đã thu hút được nhiều tác giả là nhà văn, nhà nghiên cứu danh tiếng của thành phố, của cả nước như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoàng Đạo Thúy, Trần Quốc Vượng… Một bản sắc riêng đã hình thành, không thể khác ngay từ những năm tháng ấy.
Cuộc thi sách đẹp đầu tiên do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) tổ chức, NXB Hà Nội đã ghi danh với giải thưởng cho cuốn "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX". Trong nhiều năm liền, NXB Hà Nội được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là một trong những NXB địa phương xuất sắc nhất. Giai đoạn phát triển đáng chú ý nhất của NXB Hà Nội có lẽ là giai đoạn 2004-2013 với dự án quy mô và ý nghĩa là "Điều tra, sưu tầm, biên soạn, xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến". Không chỉ lớn về số lượng đầu sách, về giá trị ý nghĩa của các công trình mà có lẽ quan trọng nhất là qua đây, NXB đã thu hút, tập hợp được một lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu của Thủ đô và đất nước cùng tham gia. Trong căn phòng họp với diện tích khiêm tốn nhưng ấm cúng ở số 4 phố Tống Duy Tân, học giả Vũ Khiêu (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học dự án Tủ sách) đã bao lần cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ… trao đổi, thảo luận về các đề tài liên quan đến Hà Nội. Đề tài nào chín thì triển khai, đề tài nào còn băn khoăn thì tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện… Có lẽ không có nhiều những thời điểm hội tụ với sự trở lại trong chiều sâu thăm thẳm của văn hiến Thủ đô đến như vậy. Sức người bao giờ cũng có hạn, nhưng cảm hứng và sự trân trọng đối với giá trị tinh thần của Hà Nội; khát vọng phổ biến nó ra với công chúng trong và ngoài nước thì rất rõ ràng và mạnh mẽ nơi các chuyên gia, các tác giả… Người viết đã theo nhiều cuộc bàn thảo về việc triển khai các đề tài trong dự án này. Bề bộn, ngổn ngang và không phải lúc nào cũng đi đến được một sản phẩm cụ thể. Nhưng không có sự cả nể trong đánh giá, nhìn nhận chất lượng các đề tài, bản thảo… Cuối cùng thì giai đoạn I của Tủ sách với gần 100 tựa cũng hoàn thành với buổi trình làng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những công trình ấy có lẽ đối với muôn đời sau sẽ vẫn cứ là một tài sản tinh thần vô giá.
Qua đây, thấy rõ một điều, trong bối cảnh xuất bản nở rộ và cạnh tranh ghê gớm như thời gian vừa qua, tìm kiếm và theo đuổi được một hướng đi riêng là điều vô cùng khó khăn. Thực tế chứng minh: "nhà" nào có bản sắc riêng "nhà" đó mới có thể tồn tại, phát triển.
Động lực từ trong lịch sử phát triển
Hoạt động của NXB Hà Nội thời điểm này rõ ràng không đơn giản, phía sau là "vàng son" một thuở, phía trước là "mặt trận" không khoan nhượng của thị trường. Trước mắt, NXB Hà Nội xác định nhiệm vụ là hoàn thành dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II cùng nhiều hoạt động xuất bản, phát hành các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị khác của Thủ đô và đất nước. Những gợi ý cho một chặng đường phát triển mới có lẽ cũng nằm ngay trong chính lịch sử hoạt động không ít thăng trầm của NXB gắn liền với tên tuổi các thế hệ lãnh đạo và biên tập viên như Vũ Cao, Hà Ân, Ngô Minh, Lê Bầu… Nơi đây, sáng kiến của nguyên giám đốc Hoàng Ngọc Hà về việc tổ chức một cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn (1992-1993) đã góp phần khẳng định những tên tuổi của văn chương đương đại như Chu Lai, Nguyễn Thị Ấm, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ…, khẳng định "văn hiệu" NXB Hà Nội. Nơi đây, những câu chuyện cảm động về cách đối xử của lãnh đạo, biên tập viên NXB Hà Nội đối với cộng tác viên, ngẫm ra vẫn còn nguyên tính thời sự. Rồi cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, người có nhiều gắn bó với đơn vị cũng từng bày tỏ hy vọng NXB Hà Nội sẽ khai triển mạnh mẽ dòng sách đóng góp tích cực cho ngành Hà Nội học…
Hiện NXB đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình mới khi đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp sang đơn vị sự nghiệp có thu. Sự thực, lựa chọn mô hình hoạt động là một trong những băn khoăn lớn của các NXB suốt thời gian qua, không riêng gì "nhà" Hà Nội. Chắc chắn rằng mô hình nào thì cũng bao hàm cả những mặt tích cực và hạn chế. Trên cơ sở áp dụng có hiệu quả một phương thức tổ chức, vận hành phù hợp, bạn đọc Thủ đô và cả nước mong mỏi NXB Hà Nội sẽ chú trọng củng cố, tạo nên một lực lượng biên tập viên có "thẩm quyền" nghề nghiệp, có khả năng xây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng rãi để không ngừng bồi đắp bản sắc riêng của mình. Dẫn lối cho hành trình ấy là một niềm tin lan tỏa từ nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên của NXB suốt 34 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.