(HNMO) - Trên thế giới, khoảng 300 triệu trẻ em (tức cứ 7 trẻ lại có gần 1 em) sống ở vùng ô nhiễm không khí đến mức độc hại - cao hơn tiêu chuẩn quốc tế gấp 6 lần, theo báo cáo mới nhất của UNICEF.
Trong đó, báo cáo “Làm trong sạch không khí cho trẻ em” lần đầu tiên chỉ ra số lượng và nơi trẻ em phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Hình ảnh vệ tinh khẳng định rằng khoảng 2 tỷ trẻ em sống ở vùng bị ô nhiễm không khí, do khí thải của phương tiện giao thông, nhiên liệu hóa thạch, bụi và đốt rác, vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí tối thiểu do WHO đưa ra. Đông Á có số lượng trẻ em lớn nhất sống ở các khu vực bị ô nhiễm này, khoảng 620 triệu em; tiếp đến là Châu Phi với 520 triệu trẻ em, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khoảng 450 triệu trẻ.
Ông Anthony Lake, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, ô nhiễm không khí là yếu tố chính góp phần gây tử vong cho khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm; đe dọa tính mạng và tương lai của hàng triệu trẻ em khác hàng ngày. Những chất gây ô nhiễm không những làm tổn hại đến sự phát triển phổi của trẻ mà nó còn vượt qua hàng rào máu não và gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Không một xã hội nào có thể trả nổi cái giá cho việc làm ngơ trước ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu này cũng khảo sát sự ô nhiễm nặng không khí trong nhà, do sử dụng các nhiên liệu như than và củi để nấu ăn hay sưởi ấm; thường ảnh hưởng đến trẻ em ở các nước có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn.
Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời có liên quan trực tiếp đến viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác, là nguyên nhân gây tử vong cho 1/10 trẻ dưới 5 tuổi. Điều này làm cho ô nhiễm không khí trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe của trẻ em.
Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn bởi ô nhiễm không khí vì phổi, não và hệ miễn dịch của các em vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển, đường hô hấp của các em có thể thẩm thấu qua được. Trẻ nhỏ thở nhanh hơn người lớn, hít nhiều không khí hơn so với trọng lượng cơ thể các em. Những trẻ em dễ thiệt thòi nhất là những trẻ hay bị đau yếu, không được tiếp cận các dịch vụ y tế.
UNICEF yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới tham dự COP22 khẩn cấp thực hiện bốn bước sau để bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí:
•Giảm ô nhiễm: Tất cả các quốc gia cần hành động để bảo đảm đạt chuẩn không khí quốc tế của WHO nhằm tăng cường sự an toàn và phúc lợi cho trẻ em. Để đạt được điều này, các chính phủ cần thực hiện các biện pháp như giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào hiệu quả năng lượng và các nguồn nhiên liệu có thể thay thế được.
•Tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em: Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ, bao gồm các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao kiến thức, cải thiện quản lý ở cộng đồng và tăng số người điều trị viêm phổi (nguyên nhân gây tử vòng hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi).
•Giảm tối đa sự tiếp xúc của trẻ em với nguồn gây ô nhiễm: Những nguồn gây ô nhiễm như nhà máy không nên đặt ở gần trường học và nơi vui chơi của trẻ; quản lý rác thải tốt hơn có thể giúp giảm số lượng rác bị đốt ở cộng đồng. Sử dụng nguyên liệu sạch để nấu ăn có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Giảm ô nhiễm không khí nói chung có thể giúp giảm sự tiếp xúc của trẻ với ô nhiễm.
•Theo dõi và kiểm soát ô nhiễm không khí: Theo dõi kiểm soát là biện pháp hữu hiệu có thể giúp trẻ em, thanh niên, gia đình và cộng đồng giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí, biết được nhiều thông tin hơn về nguyên nhân gây ô nhiễm và vận động cho sự thay đổi làm cho không khí an toàn hơn để hít thở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.