(HNM) - Một ngày hè mới đây, trong ngôi nhà nhỏ nằm ven ngõ phố Thái Thịnh (Hà Nội), vận động viên bóng bàn người khuyết tật Vũ Đặng Chí bất ngờ nhận được món quà ý nghĩa.
Món quà ý nghĩa
Tại Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra tháng 7-2018, vận động viên người khuyết tật môn bóng bàn của Hà Nội Vũ Đặng Chí không may bị tai nạn, ngã, chấn thương. Từ đó đến nay, gương mặt kỳ cựu này miệt mài tìm cách để từng bước phục hồi, nhưng đây là điều không dễ dàng. Với sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị, anh Vũ Đặng Chí kiên trì rèn tập bóng bàn trở lại, kết hợp liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, đi từ 40 đến 50 vòng quanh chiếc bàn nhỏ trong nhà. Từ việc phải nằm một chỗ, vệ sinh tại chỗ, nay Vũ Đặng Chí đã có thể tập tạ ngày 300 lần và di chuyển dễ dàng hơn. Trong niềm vui dần hồi phục thể lực anh lại bất ngờ nhận được chiếc xe lăn có thể gập gọn, anh vui mừng chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng có một chiếc xe lăn, nhưng không gập được, rất bất tiện. Nhà hẹp, xe cồng kềnh, có lần để ngoài cửa bị lấy trộm mất. Nay với chiếc xe lăn mới này, tôi sẽ có điều kiện thi đấu giao lưu, thuận tiện hơn rất nhiều cho quá trình phục hồi".
Chiếc xe lăn gập gọn chỉ là một trong số các món quà bất ngờ từ cá nhân một nhà quản lý của thể thao Thủ đô dành tặng cho tay vợt kỳ cựu của thể thao người khuyết tật Hà Nội. Người tặng quà - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng chia sẻ giản dị: "Trong số những vận động viên người khuyết tật, tay vợt Vũ Đặng Chí với 30 năm gắn bó miệt mài cùng môn bóng bàn thực sự là tấm gương đối với lớp trẻ về tinh thần rèn luyện, ý chí phấn đấu, hòa nhập cộng đồng. Việc tôi có món quà nhỏ tặng anh Chí chỉ với mong mỏi là những người kỳ cựu như anh đã và sẽ luôn cùng tập thể vận động viên người khuyết tật Hà Nội đoàn kết, gắn bó, góp phần vào sự phát triển chung của thể thao Thủ đô và cả nước".
30 năm gắn bó cùng bàn bóng
Gắn bó với bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội từ thời kỳ đầu, hiện là ủy viên Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam, Vũ Đặng Chí là cái tên thân thuộc của thể thao Thủ đô, đồng thời là tay vợt có nhiều Huy chương vàng bóng bàn nhất Việt Nam. Hình ảnh Vũ Đặng Chí ngồi xe lăn chơi bóng bàn, liên tiếp giành Huy chương vàng tại các giải đấu vô địch quốc gia cũng như quốc tế, đặc biệt là các tấm Huy chương vàng ở các kỳ ASEAN Para Games, Giải Bóng bàn xe lăn quốc tế mở rộng... luôn là ký ức đẹp cho nỗ lực vươn lên của người khuyết tật trong hành trình hòa nhập cộng đồng. Qua 30 năm miệt mài bên bàn bóng, Vũ Đặng Chí được Tổng cục Thể dục thể thao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Thể dục thể thao" năm 2006, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba... Nhưng quý giá nhất, với anh chính là hành trình nỗ lực rèn luyện để trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Vũ Đặng Chí chia sẻ: "Tôi luôn quan niệm, dù thua 1.000 người, nhưng chỉ cần thắng 1 người là đủ thấy được thành quả nỗ lực của mình".
Nhớ lại những kỷ niệm trong hành trình theo đuổi nghiệp vận động viên thể thao người khuyết tật, anh kể: "Tôi nhớ những buổi chiều đi 30-40km, khi thì sang Bắc Ninh, lúc lại đi Sơn Tây để rèn tập, thi đấu giao lưu, đến tối, đêm mới về. Hồi đầu tôi sử dụng xe tự làm, đi lại rất khó khăn, nhiều khi lúc đi không sao, lúc về 23h đêm xe bất ngờ hỏng, đành xin ngủ lại câu lạc bộ để hôm sau sửa xe rồi mới về được. Nhưng niềm hạnh phúc lớn, ấy là khi tôi chơi bóng giao lưu, truyền cảm hứng tại các cơ quan, câu lạc bộ đã tạo dựng được hình ảnh một người hữu ích cho xã hội".
Qua 30 năm chơi bóng bàn trên xe lăn, Vũ Đặng Chí vẫn đau đáu nỗi lo duy trì đà phát triển của bóng bàn người khuyết tật Việt Nam trên bản đồ khu vực và quốc tế. Tay vợt kỳ cựu bày tỏ: "Tôi xem các tay vợt Hàn Quốc thi đấu, họ có 1 bác sĩ, 1 huấn luyện viên, 1 chỉ đạo viên đi kèm, chưa kể người chuyên nhặt bóng. Còn ở ta, vận động viên bóng bàn ngồi xe lăn thường phải tự nhặt, bóng bị bóp, bẹp thì lại vừa xoa vừa thổi cho phồng lại. Cuối năm nay có ASEAN Para Games, đặc biệt là kỳ tới tại Việt Nam - năm 2021, rất cần lưu ý quan tâm đầu tư để bóng bàn Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có huy chương tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực dành cho người khuyết tật".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.