Theo dõi Báo Hànộimới trên

3 năm tới, sẽ đào tạo 1 vạn tiến sỹ ở nước ngoài

Lan Anh (VNMedia)| 15/01/2010 15:45

3 năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai các chương trình hợp tác với các đại học, các quốc gia để thực hiện đào tạo 10.000 tiến sỹ ở nước ngoài. Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết như vậy, sáng 14/1.

3 năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai các chương trình hợp tác với các đại học, các quốc gia để thực hiện đào tạo 10.000 tiến sỹ ở nước ngoài. Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết như vậy, sáng 14/1.


Sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội thảo “Xây dựng các quan hệ đối tác trong giáo dục đại học: Các cơ hội và thách thức đối với Mỹ và Việt Nam” sáng nay, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây là một trong những mục tiêu đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, theo kế hoạch thực hiện Đề án 322 của Chính phủ về “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật bằng ngân sách nhà nước”, dự kiến, trong năm 2010, sẽ có 1000 tiến sỹ được cử đi du học bằng ngân sách nhà nước.

Ngành giáo dục – đào tạo cũng sẽ đẩy mạnh chương trình nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng ngoại ngữ của Việt Nam từ nay tới năm 2020.

Thứ trưởng cho biết, Bộ có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các tổ chức lớn như World Bank, ADB để triển khai các dự án vốn vay xây dựng các đại học xuất sắc.

Cũng trong kế hoạch đẩy mạnh hợp tác quốc tế, sắp tới, Bộ sẽ xây dựng và triển khai đề án thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, và các nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, trong vòng 3 năm tới (2010-2012), sẽ hình thành mỗi năm ít nhất một cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Bộ sẽ đánh giá 3 cơ quan kiểm định chất lượng thuộc các đại học lớn ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, hỗ trợ để các cơ quan này đôn đốc việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng bên ngoài.

Trên lộ trình này, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo kế hoạch, Bộ phấn đấu đến hết năm 2010 có ít nhất 30% số các trường đại học, cao đẳng hoàn thành báo cáo tự đánh giá, các trường còn lại hoàn thành công tác này vào năm 2011.

 Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm tới, sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Michael Michalak, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng cho rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục là 1 trong 2 vấn đề (cùng với việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học) mà giáo dục Việt Nam cần chú ý.

Theo ông, đây là những vấn đề quan trọng trong việc đưa giáo dục đại học Việt Nam tiệm cận với xu hướng chung của giáo dục thế giới. Ông cũng khẳng định, Mỹ có thể giúp Việt Nam trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Tăng cường du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Sau phiên họp toàn thể, Hội thảo được chia ra các nhóm nhỏ để thảo luận tập trung, xoay quanh các chủ đề: Xây dựng các trường đại học kiểu Mỹ tại Việt Nam; Thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; Tăng số du học sinh Việt Nam tại Mỹ.

3 chủ đề lớn của hội thảo cũng chính là những vấn đề trọng tâm trong việc hợp tác của chính phủ 2 nước Việt Nam – Mỹ trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhóm chuyên trách giáo dục Việt – Mỹ xác định là quan trọng nhất trong quan hệ giáo dục giữa 2 nước.

Theo ông Michael Michalak, phái đoàn ngoại giao Mỹ tích cực ủng hộ Việt Nam thành lập một trường đại học kiểu Mỹ, thông quan việc giúp đỡ tuyển dụng các nhà quản lý và đội ngũ giáo viên cũng như tìm kiếm, huy động nguồn tài chính. 

Hội thảo cũng có nhiều nhóm thảo luận xung quanh việc cải thiện giáo dục đại học Việt Nam. Tăng cường số sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ cũng là một trong những mục tiêu của hội thảo. Theo ông Michael Michalak, chỉ trong vòng hơn 2 năm, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã tăng 2,5 lần. Và nhiều trong số 20 cuộc thảo luận nhóm tại hội thảo lần này cũng sẽ hướng tới việc tăng cường con số này.

Trong sáng và chiều 14.1, có 10 nhóm công tác đã trao đổi, thảo luận xung quanh các chủ đề nhóm, như “Vai trò của Mỹ trong việc nâng cao khả năng Anh ngữ trong giáo dục đại học Việt Nam”, “Xây dựng và điều hành trường đại học mới ở Việt Nam: Kinh nghiệm và triển vọng”, “Mô hình đại học quốc tế nào thích hợp với giáo dục Việt Nam”…

Tham dự thảo luận tại các nhóm hội thảo này là hơn 500 đại biểu là các chuyên gia giáo dục, các đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của 2 nước Việt Nam và Mỹ.

Hội thảo sẽ tiếp tục với 10 phiên thảo luận nhóm trong sáng và chiều nay (15.1).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
3 năm tới, sẽ đào tạo 1 vạn tiến sỹ ở nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.