Theo dõi Báo Hànộimới trên

27 bức thư của Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ V)

HONGHAI| 26/03/2005 08:55

27 bức thư của Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu lộ rõ ý đồ chiến lược của Nixon trước cũng như sau khi ký Hiệp định Paris là thực hiện chiến lược

Nhân dân Hà Nội vui mừng nghe tin hoà bình đã được lập lại ở Việt Nam.

27 bức thư của Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu lộ rõ ý đồ chiến lược của Nixon trước cũng như sau khi ký Hiệp định Paris là thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", biến cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ thành cuộc nội chiến giữa người Việt Nam, tiếp tục bám lấy miền Nam Việt Nam. Nhưng 27 bức thư cũng bộc lộ công khai và dai dẳng mâu thuẫn sâu sắc giữa Nixon và Thiệu.

Các bức thư của Tổng thống Nixon gửi cho Nguyễn Văn Thiệu trong thời điểm ký và thi hành Hiệp định Paris năm 1973 xứng đáng được nghiên cứu sâu để hiểu con người của Nixon và Nguyễn Văn Thiệu, lý do khiến Nixon phải ký Hiệp định Paris, ký thông cáo chung 4 bên ngày 13/6/1973 để cải thiện tình hình thi hành Hiệp định Paris khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm Hiệp định đó, tìm hiểu mâu thuẫn Nixon - Thiệu.

Một vài nhận xét cá nhân:

Cuộc chiến tranh của Mỹ chống nhân dân Việt Nam đến đời Tổng thống Johnson có thể coi là thất bại. Khi Nixon lên làm Tổng thống, thế của Mỹ là phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và bám lấy miền Nam bằng biện pháp khác.

Nixon vào Nhà Trắng sau Tết Mậu Thân 1968 với những hậu quả nặng nề cho chính quyền Johnson, Johnson phải đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chấp nhận đàm phán với Hà Nội, tuyên bố không ra ứng cử Tổng thống một khóa nữa. Nixon được chào đón bằng cuộc biểu tình phản chiến của 1.200 thành phố và đô thị trên khắp các bang, phong trào đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thật sự trở thành "cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ". Báo New York Times công bố các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngày càng có nhiều nghị sĩ đòi rút quân Mỹ về nước.

Trước xu thế nhất định thất bại của cuộc chiến tranh Việt Nam và những khó khăn chồng chất về đối nội và đối ngoại, Nixon quyết định đơn phương rút quân Mỹ về, nhưng duy trì Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu để tiếp tục cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, tức là chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Việc rút quân Mỹ, lấy được tù binh Mỹ về là vấn đề đối phó với phong trào chống chiến tranh và sự phản đối của Quốc hội Mỹ. Vì thế Nixon thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản về ngừng bắn, rút quân Mỹ và quân đồng minh, trao trả tù binh, nhưng tiếp tục duy trì và viện trợ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, làm cho nó đủ sức để tồn tại.

Nixon hiểu rõ rằng, quân Mỹ rút đi thì khả năng chiến đấu của quân ngụy sẽ giảm sút một cách nguy hiểm. Chính vì thế Nixon trì hoãn việc ký bản Hiệp định ngày 20/10/1972, không phải chỉ để thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 7/11/1972, mà còn để có thì giờ tăng cường viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu để quân ngụy sau khi quân Mỹ rút có sức chống lại quân đội nhân dân Việt Nam và quân giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Kế hoạch tăng viện này là kế hoạch ENHANCE PLUS (tăng cường hơn nữa).

Trong cuốn Lời phán quyết về Việt Nam (Vietnam's Verdict), luật gia Joseph Amter viết rằng: Nixon thực hiện kế hoạch ENHANCE PLUS nhằm hai mục đích: Tăng cường viện trợ như thế cho Thiệu để dễ bảo Thiệu hơn khi ký Hiệp định Paris và khẳng định cho Thiệu thấy rằng Mỹ có ý định "đứng sau lưng Thiệu". Thực hiện kế hoạch này, Nixon cho cấp tốc gửi sang Sài Gòn chủ yếu là máy bay, trực thăng, xe tăng, đại bác trị giá hàng tỷ đô la. Bấy giờ Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ lớn tiếng khoe Việt Nam Cộng hòa nay có không quân lớn thứ tư trên thế giới. Amter nói khi đó không quân của Thiệu có hơn 2.000 máy bay các loại.

Nixon còn lo giúp Thiệu phục hồi và phát triển kinh tế. Với kế hoạch kinh tế hậu chiến 8 năm (1973 - 1980), Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu tính từng bước phát triển kinh tế miền Nam, đưa kinh tế miền Nam vượt lên kinh tế miền Bắc Việt Nam.

Ngày 23/1/1973, Nixon thông báo cho nhân dân Mỹ biết là Chính phủ đã ký "một hiệp định hòa bình trong danh dự" với Việt Nam. Giáo sư Mỹ Larry Berman đã viết một cuốn sách đầy ắp bằng chứng để chứng minh rằng: "Chẳng có hòa bình chẳng có danh dự" (No peace No honour).

Thông thường dư luận cho những người cầm đầu các nước phụ thuộc nước lớn là "tay sai", là "vệ tinh" của nước lớn và luôn luôn "dễ bảo". Thời Pháp thuộc có vua ở các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, nhưng người quyết định cuối cùng bao giờ cũng là Toàn quyền Đông Dương và các Thống sứ, Khâm sứ Pháp, nhân vật nào chống đối hay "khó bảo" là bị bắt ngay.

Thời Mỹ thay thế Pháp thống trị miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm hàm ơn Mỹ đã gạt Hoàng thân Bửu Lộc để về nắm lấy miền Nam Việt Nam, cho nên Diệm triệt để thi hành đường lối chống cộng và mọi chủ trương của Mỹ, thậm chí tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17. Nhưng cũng có một lần mâu thuẫn giữa Diệm với Tổng thống Kennedy nổ ra khi chính sách độc tài của Diệm ghê gớm đến mức đàn áp lực lượng Phật giáo miền Nam. Bấy giờ Tổng thống Kennedy phải tính đến nước đưa người khác lên thay Diệm hoặc ít nhất cũng buộc Ngô Đình Nhu, cố vấn đầy quyền lực của Diệm, ra nước ngoài. Nhưng đây là một mâu thuẫn nảy sinh từ một chính sách đối nội của riêng miền Nam, không trực tiếp xâm phạm quyền lợi của nước Mỹ. Mâu thuẫn này chấm dứt khi anh em Ngô Đình Diệm bị lật đổ và giết hại.

Tại sao Nguyễn Văn Thiệu dám có ý kiến chống lại Tổng thống Nixon trong giải pháp cho vấn đề Việt Nam? Mâu thuẫn gay gắt và kéo dài hàng nửa năm, đến mức Nixon phải đích thân liên tiếp viết thư cho Nguyễn Văn Thiệu để dỗ dành, thuyết phục, hăm dọa, kể cả hăm dọa cắt viện trợ, cắt quan hệ ngoại giao?

Trên vấn đề tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Nixon và Thiệu đều nhất trí vì đó là lợi ích chiến lược của Mỹ, là vấn đề sinh tử của ngụy quyền và của cá nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trên vấn đề chống cộng, chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họ cũng nhất trí. Về giải pháp cho vấn đề chiến tranh Việt Nam, họ cũng tán thành phải chấm dứt chiến tranh, nhưng Nixon và Nguyễn Văn Thiệu có quan niệm và yêu cầu khác nhau. Nói như người Trung Quốc, đây đúng là vấn đề "đồng sàng dị mộng".

Nixon công nhận cho Chính phủ Cách mạng lâm thời tồn tại, quân miền Bắc Việt Nam còn ở lại miền Nam để giải quyết sau, nhưng Thiệu không chịu vì đó là vấn đề danh dự, vấn đề sinh mệnh của chế độ Việt Nam Cộng hòa, vấn đề cái ghế Tổng thống của Thiệu. Tuy chịu để tồn tại Chính phủ Cách mạng lâm thời "cho đến khi hai chính phủ thỏa thuận xong việc lập chính phủ thống nhất ở miền Nam", Nixon khẳng định vẫn giữ nguyên vẹn chính phủ của Thiệu vì mục tiêu của "Việt Nam hóa chiến tranh" là duy trì chính phủ đó để nó tiếp tục cuộc chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cách mạng miền Nam, nhưng Thiệu vẫn không tin khả năng đó. (Xem tiếp kỳ sau)

Theo CAND

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
27 bức thư của Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ V)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.