Môi trường

2024 là năm đầu tiên nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C

Kim Phượng 10/01/2025 - 14:34

Truyền thông quốc tế ngày 10-1 dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết thế giới vừa trải qua năm đầu tiên mà nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

bien-doi-khi-hau.jpg
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại có thể phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Ảnh: OWP

Cột mốc này đã được Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) xác nhận, theo đó biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ của hành tinh lên mức chưa từng thấy.

Phát biểu với giới báo chí, giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định 12 tháng trong năm 2024 đều là tháng ấm nhất hoặc ấm thứ hai kể từ khi dữ liệu được ghi chép. Theo C3S, nhiệt độ trung bình của hành tinh vào năm 2024 cao hơn 1,6 độ C so với giai đoạn 1850-1900, "thời kỳ tiền công nghiệp" trước khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch thải CO2 trên diện rộng.

Năm 2023 là năm nóng nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê, và 10 năm qua đều nằm trong số mười năm ấm nhất được ghi nhận.

Cơ quan Khí tượng Anh xác nhận năm 2024 có khả năng vượt ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời ước tính nhiệt độ trung bình thấp hơn một chút là 1,53 độ C trong năm. Các nhà khoa học Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu khí hậu năm 2024 theo nghiên cứu của họ. Các chính phủ đã cam kết theo Thỏa thuận Paris năm 2015 sẽ cố gắng ngăn chặn nhiệt độ trung bình vượt quá 1,5 độ C, để tránh các thảm họa khí hậu nghiêm trọng đang gia tăng.

Ông Buontempo cho biết lượng khí thải nhà kính tăng có nghĩa là thế giới đang trên đà sớm vượt qua mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhưng vẫn chưa quá muộn để các quốc gia nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải tránh tình trạng nóng lên tiếp tục tăng đến mức thảm khốc.

Tác động của biến đổi khí hậu hiện đang hiện diện ở mọi châu lục, ảnh hưởng đến con người từ những quốc gia giàu nhất đến những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Các vụ cháy rừng hoành hành ở California tuần này đã khiến ít nhất năm người thiệt mạng và phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Năm 2024, Bolivia và Venezuela cũng hứng chịu các vụ cháy thảm khốc, trong khi lũ lụt dữ dội tấn công Nepal, Sudan và Tây Ban Nha, đồng thời nắng nóng ở Mexico và Ả Rập Xê Út đã giết chết hàng nghìn người. Biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão và lượng mưa lớn trở nên tồi tệ hơn, vì bầu khí quyển nóng hơn có thể chứa nhiều nước hơn, dẫn đến những trận mưa dữ dội. Lượng hơi nước trong bầu khí quyển của hành tinh đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024.

Nhưng ngay cả khi phí tổn cho những thảm họa này tăng vọt, ý chí chính trị trong việc đầu tư vào việc hạn chế khí thải đã suy yếu ở một số quốc gia. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20-1, đã gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, bất chấp sự đồng thuận của giới khoa học toàn cầu rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được giải quyết.

Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia, Mỹ đã trải qua 24 thảm họa về khí hậu và thời tiết vào năm 2024, trong đó thiệt hại vượt quá 1 tỷ USD, bao gồm cả bão Milton và Helene.

Chukwumerije Okereke, giáo sư về quản trị khí hậu toàn cầu tại Đại học Bristol của Anh, cho biết mốc 1,5 độ C sẽ là "lời cảnh tỉnh thô bạo đối với các chính trị gia để họ hành động đúng mực".

C3S cho biết nồng độ carbon dioxide trong khí quyển, loại khí thải nhà kính chính, đã đạt mức cao mới là 422 phần triệu vào năm 2024.

Zeke Hausfather, một nhà khoa học nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth của Mỹ dự kiến ​​năm 2025 sẽ là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, nhưng có khả năng không đứng đầu bảng xếp hạng.

Nguyên nhân là trong khi yếu tố lớn nhất làm nóng khí hậu là khí thải do con người gây ra, nhiệt độ vào đầu năm 2024 lại còn tăng thêm do hiện tượng El Nino, một kiểu thời tiết ấm lên hiện đang có xu hướng chuyển sang hình thái La Nina mát hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
2024 là năm đầu tiên nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.