(HNM) - Công chiếu tại Bắc Mỹ ngày 14-11 sau đó là khắp toàn cầu, bộ phim "2012" (Năm đại họa) đã tạo doanh thu kỷ lục: gần 300 triệu USD trong nửa tháng. Tại Việt Nam, theo thống kê của Công ty Thiên Ngân, doanh thu phim này đạt con số 1 tỷ đồng/ngày từ khi ra rạp ngày 20-11. Chúng tôi có cuộc trao đổi với đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Ngô Thanh Vân quanh bộ phim ăn khách này.
Một cảnh trong phim. |
- Bỏ qua sự căng thẳng, hồi hộp ban đầu, phim “2012” có mang đến cho anh, chị cảm xúc gì? Anh, chị có tin ngày tận thế sắp diễn ra như trên phim không?
Lê Hoàng: Bước ra khỏi rạp, tôi suy nghĩ: Thứ nhất, thấy mình khôn ra vì người ta phải bỏ mấy trăm triệu USD để làm phim trong khi mình chỉ cần bỏ vài chục nghìn USD cũng có được một bộ phim rồi. Thứ hai, thật tiếc cho những ai chưa xem bộ phim này. Thứ ba, thấy các tai nạn xuất phát từ những kiểu như kẹt xe hay cây đổ quả là vặt vãnh, từ đó thêm yêu cuộc sống, thêm lạc quan.
Ngô Thanh Vân: Trước đây từng có tin đồn năm 2000 xảy ra sự cố máy tính, trở thành năm đại họa của nhân loại. Tôi nhớ mình đã nín thở chờ đợi đến giờ giao thừa năm 2000 rồi chẳng thấy sự cố nào! Nếu mọi chuyện xảy ra như trong phim 2012, tôi muốn giờ phút cuối của đời mình sẽ nắm chặt tay những người yêu thương nhất. 2012 là bộ phim thành công về thương mại do đem lại cho khán giả cảm giác sinh tử, khiến ai cũng sợ hãi.
- Anh, chị thích và chưa thích những chi tiết nào trong phim 2012?
Ngô Thanh Vân: Bốn phân đoạn nói về cảm xúc trong 2012 làm tôi rưng rưng nước mắt. Đây là điều khá đặc biệt vì phim hành động rất khó lấy nước mắt khán giả. Tuy nhiên, theo tôi phần kết của phim hơi dài, nhiều đoạn thừa, khiến cảm xúc khó được đẩy lên cao trào.
Lê Hoàng: Thích nhất sự vĩ đại của những cảnh quay và ghét nhất khi sự vĩ đại ấy chẳng có mình trong đó!
- Với chi phí sản xuất 200 triệu USD, đến nay 2012 thu về gần 300 triệu USD trên khắp toàn cầu, theo anh, chị, vì sao 2012 ăn khách?
Ngô Thanh Vân: 2012 không chỉ là phim hành động mà đánh vào sự sống còn của nhân loại trên hành tinh này, bất kể tôn giáo, dân tộc, quan điểm chính trị… vì vậy làm sao mà khán giả toàn cầu không quan tâm được? Vả lại 2012 là lời cảnh tỉnh thế giới về nạn phá rừng, tàn phá thiên nhiên, môi trường. Xem phim xong tôi muốn đi bộ nhiều hơn, thích dùng xe đạp hơn, thích trồng cây xanh.
Lê Hoàng: 2012 ăn khách vì đề cập đến 3 ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người: Ngày ta sinh ra, ngày ta cưới vợ và ngày tận thế. Nhiều kẻ muốn quên đi 2 ngày đầu nhưng luôn nhớ ngày thứ 3.
- 2012 là một bộ phim nghệ thuật hay chỉ đơn thuần là giải trí?
Ngô Thanh Vân: 2012 vẫn là phim giải trí, không phải là phim nghệ thuật. Đây là phim lặp lại đề tài nói về thảm họa trước đó như: Ngày Độc lập (Independence Day), Titanic… nhưng được làm hoành tráng, đồ sộ hơn nhờ máy tính.
Lê Hoàng: Chỉ có ở Việt
- Anh, chị có mơ mình được cơ hội làm phim về thảm họa như 2012 không?
Ngô Thanh Vân: Tôi mơ ngày nào đó mình được sắm một vai như trong phim 2012. Ước mơ cho vui vậy mà!
Lê Hoàng: Tôi không mơ làm phim thảm họa. Đời tôi gặp quá nhiều thảm họa rồi.
- Nếu Việt
Lê Hoàng: Chúng ta đừng bắt chước. Đừng làm phim thảm họa do thiên nhiên gây ra do không đủ tiền mà nên làm phim thảm họa do con người gây ra!
Ngô Thanh Vân: Sẽ làm theo tiêu chí, đề tài về lũ lụt miền Trung, đẩy lên mức độ thảm họa mà kinh phí sản xuất cho phép.
- Bài học về tình nhân ái, lòng vị tha, sự trắc ẩn như những nhân vật trong 2012 thể hiện để vượt qua cái ác, vượt qua thảm họa không? Có quá “kịch” không?
Ngô Thanh Vân: Dĩ nhiên phim khác xa đời. Nhưng tôi vẫn thích những thông điệp mà 2012 mang lại: Sự vị tha, lòng nhân ái sẽ chiến thắng cái ác.
Lê Hoàng: Tôi cực kỳ thích các bài học nếu như chúng chỉ ở trên phim!
Đỗ Tuấn(thực hiện)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.