(HNMO) – Tại VN, các chất HCFC sử dụng ở VN chủ yếu là R-22 trong làm lạnh và điều hòa không khí. Được biết, hiện có 10 DN sản xuất điều hòa không khí, 23 DN sản xuất thiết bị làm lạnh, 600 DN sử dụng thiết bị làm lạnh, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản và làm đá. Chất R-141b trong sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt.
(HNMO) – Nghị định thư Montreal được ký năm 1987 đã quy định nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, bao gồm các chất CFC, halon, CTC, HCFC và Methyl bromide trên phạm vi toàn thế giới.
Đến ngày 1-1-2010, toàn bộ các chất CFC, halon, CTC đã được loại trừ hoàn toàn, ngoại trừ một lượng nhỏ tiếp tục được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen. Các nước sản xuất CFC, halon, CTC đã đóng cửa các nhà máy sản xuất các chất nói trên.
Việc làm này của các nước thành viên ký Nghị định thư Montreal đã góp phần giảm phát thải vào khí quyển 135 Gigaton chất CO2 tương đương, tương ứng với việc giảm phát thải 11 Gigaton CO2/năm, cao gấp 4-5 lần mục tiêu giảm phát thải mà Nghị định thư Kyoto đặt ra trong thời kỳ cam kết đầu tiên. Theo các đánh giá khoa học, nếu không có Nghị định thư Montreal, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển có theo cao gấp 2 lần mức hiện nay.
Thế giới cũng có thể sẽ phải đối mặt với sự tăng thêm khoảng 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thủy tinh thể, chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra cho hệ thống miễn dịch của con người, đối với động vật hoang dã và sản xuất nông nghiệp.
Tại Việt Nam, chúng ta đã phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ tháng 1-1994. Với mức tiêu thụ cơ sở là 500 tấn CFC, 5 tấn halon và 0,5 tấn CTC, VN có nghĩa vụ thực hiện lộ trình loại trừ các chất này: giảm 50% lượng tiêu thụ vào năm 2005; giảm 85% lượng tiêu thụ vào năm 2007 và loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu và sử dụng các chất nói trên từ 1-1-2010. Lộ trình này đã được VN thực hiện thành công.
Tuy nhiên, Nghị định thư Montreal còn quy định việc loại trừ hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040. Ở VN, lượng sử dụng các chất HCFC năm 2009 là 3.300 tấn và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự báo năm nay, con số đó là 3.700 tấn.
Các chất HCFC sử dụng ở VN chủ yếu là R-22 trong làm lạnh và điều hòa không khí. Được biết, hiện có 10 DN sản xuất điều hòa không khí, 23 DN sản xuất thiết bị làm lạnh, 600 DN sử dụng thiết bị làm lạnh, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản và làm đá. Chất R-141b trong sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và trong nước, VN cần khoảng 20 triệu USD trong 15-20 năm để loại trừ hoàn toàn việc sử dụng các chất HCFC.
Cho đến nay, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã hoàn thành việc thu thập thông tin về sử dụng HCFC ở VN và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng”kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ HCFC”, “Dự án loại trừ HCFC-141b trong sản xuất xốp” và “Dự án loại trừ HCFC-22 trong làm lạnh và điều hòa không khí”. Dự kiến năm 2011, cơ quan này sẽ tìm nguồn tài chính cho các dự án trên và từ năm 2012 sẽ triển khai thực hiện để đảm bảo đến năm 2015, VN sẽ loại trừ được 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal.
Các thông tin trên đã được Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội, hôm nay (16-9-2010), nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm nay được tổ chức với chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn: Điều hành và tuân thủ tốt nhất”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.