(HNM) - Bắt đầu chuyến bay sang trời Âu từ tháng 11-2009, 18 người lao động (NLĐ) Việt Nam mang theo hy vọng cháy bỏng và một niềm tin rằng chỉ sau một thời gian ngắn làm việc, họ sẽ trả hết món nợ suýt soát 100 triệu đồng do vay mượn, thế chấp "sổ đỏ" để có chi phí đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thế nhưng, chỉ sau 100 ngày làm việc tại Romania, ngày 19-3-2010, họ đã phải trở về Việt Nam với nỗi lo trả nợ chất chồng.
Hợp đồng một nơi, việc làm một nẻo
Đó là tình cảnh của 18 NLĐ làm việc tại Romania, đi XKLĐ thông qua Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning). Theo hợp đồng ký kết với Công ty Petromanning, công việc của họ là công nhân xây dựng tại Công ty E.R.C. Development S.R.L do ông Beni Estroti làm Tổng Giám đốc. Mức lương thỏa thuận tại hợp đồng là 1,85 euro/giờ làm việc, ngày làm 8 giờ (tương đương 390 euro/tháng). Theo NLĐ, Công ty Petromanning khẳng định rằng, đối tác của họ bên Romania đã ký được một hợp đồng xây dựng, công nhân có thể làm 5 năm vẫn không hết việc.
Người lao động tập trung trước cổng Công ty Petromanning. Ảnh: Hồng Hà |
Cả tháng trời thi tuyển ngoại ngữ, tay nghề tại Trường Cao đẳng Xây dựng đô thị (Hà Nội) nên họ bỏ việc ở quê, vay mượn, thế chấp sổ đỏ để có đủ chi phí 99.070.000 đồng đóng cho công ty nhưng họ chỉ được xuất ngoại chưa đầy 4 tháng và làm công nhân xây dựng vỏn vẹn 18 ngày. Thậm chí, có người chỉ được làm ở vị trí này có 3 ngày. Và công việc của họ chỉ là tu sửa lại một số nơi hỏng hóc của khu nhà chung cư, không giống như hợp đồng đã ký. Trong những ngày này, 18 công nhân không được trả tiền lương, tiền công như thỏa thuận mà chỉ được tạm ứng tiền ăn 3 lần khoảng 150 euro/người (theo hợp đồng, nếu không có việc làm do thời tiết thì một ngày NLĐ được chủ trả 15 euro).
Tháng 2-2010, Công ty E.R.C yêu cầu 18 công nhân ký lại hợp đồng với công việc tái chế, phân loại rác thải (thực chất là nhặt rác). Công ty nói rõ nếu công nhân từ chối ký hợp đồng thì họ sẽ không được trả lương, cũng không được cấp thẻ xanh để ở lại làm việc. Nếu không được cấp thẻ xanh, NLĐ sẽ trở thành lao động bất hợp pháp. Trước sự vô lý này, 18 NLĐ đã không đồng ý với công việc mới nên tất cả bị buộc phải dời khỏi chỗ ở. Cực chẳng đã, họ đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Romania nhờ giúp đỡ. Lúc này, họ mới biết rằng ngày 15-2-2010, visa của họ đã hết hạn (mặc dù visa mới được cấp 3 tháng) và trở thành người cư trú bất hợp pháp. Sau nhiều lần thỏa thuận, ngày 19-3-2010, số lao động trên đã được đại diện của công ty đưa về nước.
Bài học nhãn tiền
Về nước hôm 19-3-2010, 18 công nhân mang nỗi niềm nặng trĩu, họ sẽ làm gì để sống, lấy đâu ra tiền để trả nợ gốc và lãi ngân hàng?
Trong buổi làm việc ngày 25-3, phía Công ty Petromanning đã đưa ra mức hỗ trợ khoảng 21 triệu đồng/người nhưng họ không chấp thuận. Đến sáng ngày 26-3, Petromanning tiếp tục đưa ra mức 31 triệu đồng/người nhưng những lao động này vẫn không đồng ý vì họ cho rằng, số tiền mà họ chi phí để đi gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, Petromanning là đơn vị vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Tiếp tục đàm phán, ngày 29-3, mức tiền bồi thường đã nâng lên 70.200.000 đồng. Tuy nhiên với số tiền này người lao động bị trừ chi phí vé máy bay là 21.600.000 đồng, như vậy họ chỉ còn chưa đầy 50 triệu đồng tiền bồi thường. Anh Đinh Bá Nam (Thái Bình) cho biết, số tiền 99.070.000 đồng đặt cọc cho công ty là do anh vay lãi ngân hàng. Nếu tính cả tiền lãi cùng với tiền công lẽ ra anh làm ở quê nhà trong 4 tháng thì số tiền đền bù như thế là chưa hợp lý. Phía Công ty Petromanning đã tuyển dụng rất kỹ và ký hợp đồng là công nhân xây dựng nhưng lại chuyển sang nhặt rác là sai, nên công ty phải bồi thường cho NLĐ đủ những khoản chi phí mà họ đã bỏ ra.
Ông Tống Hải Nam, Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc ký hợp đồng đưa lao động đi làm việc trong ngành xây dựng nhưng lại chuyển lao động sang làm nghề nhặt rác là sai vì chưa được phép chuyển chủ, chuyển nghề cho NLĐ. Nghề nhặt rác không có trong danh mục các nghề cấm đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng cơ quan quản lý không khuyến khích đưa lao động ra nước ngoài làm nghề này.
Những vụ việc tương tự đã từng xảy ra với các hợp đồng đưa lao động sang Cộng hòa Czech, Liên bang Nga và một số thị trường khác. Rõ ràng, đây không phải là bài học đầu tiên. Nhưng 18 lao động sang Romania đã lộ rõ những sự hiểu biết hạn chế khi ký vào bản hợp đồng lao động với công ty. Giải thích với phóng viên về vấn đề này, ông Bùi Hải Hòa, Tổng Giám đốc Petromanning lại cho rằng, do tay nghề của NLĐ hạn chế, ý thức tác phong làm việc kém, họ đã gây thiệt hại cho E.R.C và chủ thầu khiến E.R.C không bố trí tiếp công việc cho họ tại các công trình xây dựng. Vì vậy, E.R.C đã đề nghị họ tạm thời chuyển sang làm công việc phổ thông trong 6 tháng... Còn việc thẩm định tay nghề, trình độ ngoại ngữ tại Trường Cao đẳng Xây dựng đô thị thì phía công ty không bàn đến!
Thu nhập ở thị trường châu Âu có thể nói là rất cao so với các thị trường khác. Vì vậy, các doanh nghiệp XKLĐ và các cơ quan liên quan không chỉ có mỗi việc thẩm định tay nghề lao động, mà điều quan trọng là phải thẩm định kỹ đơn hàng của phía đối tác, chứ không thể để tình trạng làm việc với NLĐ một đằng, thực hiện một nẻo để rồi sự thiệt thòi đè lên vai NLĐ. Rồi đây 18 NLĐ nói trên lấy đâu ra tiền để trả cho các chi phí học ngoại ngữ, tay nghề, vé máy bay để có một chuyến "xuất ngoại" nhớ đời?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.