Theo dõi Báo Hànộimới trên

15 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan

Vũ Hoa| 14/06/2017 14:07

(HNMO) - Nhân lực du lịch, quy hoạch du lịch... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sáng 14-6.

Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Chí Tài (Thừa Thiên - Huế) hỏi: Hiện nay, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Nguồn nhân lực là vấn đề rất cấp bách đối với ngành Du lịch Việt Nam và đây là một trong những hạn chế của du lịch nước ta khi cạnh tranh với các nước khác. Số lượng khách du lịch trong 2 năm gần đây tăng 30%, số lượng buồng, phòng khách sạn 5 sao trong 5 năm qua tăng hơn hai lần, nhiều tập đoàn lớn ra đời... nhưng nhân lực du lịch lại yếu cả về chất và lượng. Hiện nay, các trường đào tạo du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 8 trường. Ngoài ra còn có các trường quốc tế và các trường ngoài công lập, tư thục, nhưng chúng ta không có một trường đại học nào đào tạo về du lịch như các nước mà chỉ có khoa du lịch trong các trường đại học. Đây là bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) hỏi: Dự kiến vào năm 2020, Việt Nam sẽ đón 15 triệu du khách nước ngoài đến tham quan và lưu trú ở Việt Nam. Bảo hiểm y tế tạm thời trong thời gian du khách nước ngoài lưu trú ở nước ta hiện ra sao? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế đã có phương án nào để cung ứng dịch vụ y tế cho các du khách trong thời gian lưu trú ở nước ta?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đạt 5,3 triệu lượt, tăng trên 30%. Cho nên vấn đề làm thế nào để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn và các vấn đề liên quan đến lưu trú, lữ hành là những vấn đề rất lớn mà ngành Du lịch phải quan tâm. Để khách du lịch ở lại lâu hơn, cảm thấy thoải mái và chi tiêu nhiều hơn, chúng ta phải nâng cao chất lượng nghiệp vụ du lịch, từ công tác lữ hành, khách sạn, dịch vụ ở các điểm đến, các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh... và chấm dứt các hiện tượng như chặt chém, gây phiền hà cho khách.

Đối với các dịch vụ y tế cung cấp cho khách du lịch, Bộ trưởng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc nhằm xây dựng các bệnh viện hoặc các trung tâm dịch vụ y tế để phục vụ khách du lịch, nhất là những dịch vụ liên quan đến y học cổ truyền của Việt Nam, như vậy vừa quảng bá được nền y học cổ truyền của dân tộc, vừa có nguồn thu từ khách du lịch. Bộ trưởng lưu ý, dịch vụ y tế là một trong những dịch vụ phục vụ khách du lịch và thu ngoại tệ rất lớn. Nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đã triển khai rất thành công.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Hiện có tình trạng quá tải ở các khu du lịch đi kèm với nó là xả rác, chặt chém ở khắp nơi. Vậy, Bộ trưởng đã có những giải pháp nào để giải quyết những vấn đề trên hay chưa. Và theo Bộ trưởng có cần một hệ thống cảnh báo để khách du lịch biết và tránh tình trạng quá tải không?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Tình trạng quá tải ở các khu du lịch là một thực tế. Chúng ta thấy có những bức ảnh chụp trên bãi biển gần đây đông nghịt người. Các khu du lịch vào mùa cao điểm, những ngày lễ có sự quá tải. Một mặt, chúng ta cũng mừng là du lịch phát triển, nhiều người đi du lịch và chúng ta có nguồn thu. Nhưng đương nhiên có tồn tại khác là làm thế nào để du khách được thoải mái, được bảo đảm an ninh, an toàn và có những dịch vụ tốt hơn. Việc này chúng tôi xin tiếp thu. Về cảnh báo du khách vào những thời điểm đó, Bộ sẽ nghiên cứu để sau này có những khuyến cáo đối với khách du lịch, nhằm không gây phiền hà cho khách.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) hỏi: Hiện nay các văn bản quy hoạch quốc gia vùng chỉ có thời hạn đến năm 2020 và bộc lộ những hạn chế chưa theo kịp được tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như chỉ đạo của Trung ương. Nhiều nơi đã trở thành trọng điểm phát triển du lịch nhưng vẫn chưa có quy hoạch như Bà Nà, Mũi Né, Tam Đảo..., có điểm đã mang dấu ấn của văn hóa nước ngoài. Trong báo cáo giải trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ rõ, yếu kém của công tác quy hoạch du lịch có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất cập trong hành lang pháp lý về quy hoạch và Sơn Trà là một ví dụ điển hình. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm, đánh giá của Bộ trưởng về vấn đề trên, giải pháp căn bản và lộ trình nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quy hoạch ngành Du lịch trong thời gian sắp tới?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Quy hoạch là một nhiệm vụ rất quan trọng với tất cả các ngành, muốn phát triển đất nước thì trước hết phải có quy hoạch. Du lịch cũng thực hiện nhiệm vụ đó và xây dựng nhiều quy hoạch như quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam, quy hoạch của các vùng, quy hoạch các khu du lịch quốc gia; ở địa phương thì có quy hoạch du lịch của tỉnh, quy hoạch du lịch của địa bàn... Nếu không có quy hoạch thì phát triển sẽ rất lộn xộn và chúng ta sẽ phải trả giá. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch chính là gắn giữa bảo tồn với phát triển, tức là phát triển như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải triển khai các quy hoạch và trong quy hoạch du lịch thì có quy hoạch các sản phẩm du lịch. Đây là một nhiệm vụ mà ngành phải lo và sẽ xin ý kiến về những loại quy hoạch nào phải làm, những quy hoạch nào không cần thiết...

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) hỏi: Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có đại biểu hỏi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL lúc bấy giờ là Hoàng Tuấn Anh rằng: "Bao giờ du lịch Việt Nam phát triển như Thái Lan, Malaysia?". Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời: "Tôi bỏ ngỏ câu hỏi này và sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL kế tiếp trả lời". Hôm nay, trong cương vị Bộ trưởng, Bộ trưởng đã có thể trả lời câu hỏi này được chưa và giải pháp nào để phát triển du lịch Việt Nam bằng các nước và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020? Trong những tháng đầu năm 2017 vừa qua, khách quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh, du lịch có bước phát triển, tuy nhiên, đã xuất hiện tour du lịch 0 đồng, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch và ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, Thái Lan khoảng 32 triệu lượt, Malaysia khoảng 26 triệu lượt, Singapore khoảng 16 triệu lượt... Như vậy, khoảng cách khách du lịch quốc tế đến nước ta và Thái Lan và Malaysia còn rất xa. Chúng ta mới bằng 1/3 của Thái Lan. Tuy nhiên, năm 2016 và 2017, ngành Du lịch tăng trưởng gần 30%, cụ thể năm 2016 là 27% và năm nay là 30%. Hơn nữa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TƯ về Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch sắp tới sẽ được Quốc hội thông qua để thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, còn một số giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ khác. Chính vì vậy, khả năng tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch trong những năm tới sẽ khá cao. Về mức độ cạnh tranh, về di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Việt Nam và Thái Lan gần như tương đương. Thái Lan chỉ hơn ta về hạ tầng dịch vụ du lịch.

 "Chúng tôi giả sử rằng, ngành Du lịch Việt Nam nếu tăng khoảng 20-25% và ngành Du lịch Thái Lan tăng 7% như hiện nay và ngành Du lịch Thái Lan rất khó tăng cao được bởi sẽ đến mức bão hòa thì chúng ta sẽ gặp Thái Lan sau 15 năm nữa", Bộ trưởng Bộ VH-TT%DL dự đoán.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của tour du lịch 0 đồng, Bộ trưởng cho biết là phải tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác lữ hành, các hướng dẫn viên và đặc biệt là các điểm đến, các cơ sở dịch vụ mà các công ty lữ hành có thể lấy các nguồn bù đắp lại chi phí cho tour 0 đồng. Sắp tới, Luật Du lịch sẽ thể hiện điều này. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
15 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.