(HNM) - Hoạt động của lực lượng 141 kể từ khi được thành lập (tháng 7 - 2011) đến nay đã đáp ứng được thực tiễn đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm ANTT trên địa bàn TP Hà Nội.
Đầu năm 2011, hoạt động của các loại tội phạm cũng như tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn Thủ đô diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tội phạm hình sự hoạt động manh động, có biểu hiện coi thường pháp luật. Nhiều đối tượng mang theo vũ khí quân dụng, dao, kiếm khi tham gia giao thông, sẵn sàng gây án khi có mâu thuẫn, va chạm. Bên cạnh đó, tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng cảnh sát gia tăng, gây bức xúc và tạo tâm lý lo lắng trong dư luận. Trước tình hình đó, tháng 7-2011, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV11 về "Tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định… mang vũ khí tham gia giao thông". Các tổ 141 ra đời, với những thành viên được lựa chọn kỹ đã nhanh chóng đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả và trở thành "thương hiệu" về sự bảo đảm TTATXH tại Thủ đô, được nhân dân tin tưởng.
Số hung khí mà lực lượng 141 đã thu giữ của các đối tượng. |
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch 141) cho biết, vì tính chất, yêu cầu của công việc nên các tổ 141 chú trọng lựa chọn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) từ lực lượng cảnh sát giao thông, hình sự, cơ động, truy nã tội phạm. Đây là những người sức khỏe tốt, có phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tế, tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu pháp luật. Từ vài tổ thí điểm ban đầu, đến nay Giám đốc CATP đã quyết định thành lập 15 tổ công tác, với 150 CBCS. Sau 3 năm thành lập, hoạt động của các tổ 141 đi vào nền nếp, tăng cường nghiệp vụ trên mọi phương diện và đã góp phần giảm phạm pháp hình sự, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Sợ "vía" 141, số đối tượng lưu manh, côn đồ mang theo vũ khí, dao, kiếm, công cụ hỗ trợ tham gia giao thông, truy đuổi, đâm chém nhau công khai, coi thường pháp luật giảm rõ rệt. Số vụ chống người thi hành công vụ cũng giảm đáng kể. Ngoài các trường hợp vi phạm TTATGT, lực lượng 141 đã bắt giữ 3.638 vụ, 4.329 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cho các đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Những chiến công của lực lượng 141 được nhân dân Thủ đô cũng như người dân cả nước trân trọng, tin tưởng. 141 xứng đáng là "thương hiệu" của Công an Thủ đô. Tuy vậy, tình hình hoạt động tội phạm và TNXH trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thời gian, thủ đoạn hoạt động phạm tội để trốn tránh sự phát hiện, kiểm tra của lực lượng 141. Trong khi đó, tại các tổ 141, một số CBCS còn trẻ, mới được thay thế, bổ sung, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, phần nào chưa đáp ứng triệt để yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến vi phạm hành chính của các tổ 141 có lúc chưa linh hoạt, gây bức xúc cho người vi phạm. Về công tác nghiệp vụ, CATP cũng đánh giá, việc chấp hành quy định giờ giấc công tác của một số CBCS chưa thực sự nghiêm túc. Công tác bố trí lực lượng hỗ trợ, phối hợp với tổ công tác 141 làm nhiệm vụ tại một số đơn vị, có nơi, có lúc chưa kịp thời.
Để 141 phát huy cao nhất hiệu quả và ngày càng hoàn thiện, CATP đã và đang tìm cách khắc phục những hạn chế nêu trên. Trước mắt, CATP sẽ nghiên cứu, mở rộng phạm vi bố trí lực lượng các tổ công tác 141 thực hiện nhiệm vụ ra các tuyến đường thuộc địa bàn ngoại thành có dấu hiệu phức tạp về ANTT. Bên cạnh việc lập chốt kiểm tra, kiểm soát, các tổ 141 sẽ phải trinh sát để nắm tình hình quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Các tổ 141 cũng sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn từ công an các quận, huyện, thị xã trong quá trình lập chốt làm nhiệm vụ nhằm bảo đảm ANTT tại khu vực, tạo thuận lợi trong việc hỗ trợ bắt giữ, thiết lập hồ sơ ban đầu, phân loại, bàn giao, xử lý các đối tượng có dấu hiệu phạm tội... Cùng với đó, CATP sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành điều lệnh, quy trình, quy định, lễ tiết, tác phong của CBCS khi tiếp xúc với nhân dân và người vi phạm, qua đó phòng ngừa sai phạm, tiêu cực. Yêu cầu đặt ra là mỗi CBCS phải thực hiện đúng quy trình công tác, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm... Làm được như vậy, "thương hiệu" 141 mới thực sự hoàn thiện, đáp lại niềm tin và sự kỳ vọng của người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.