Ngày 26-7 năm nay, thế giới kỷ niệm 125 năm Ngày ra đời Quốc tế ngữ (Esperanto). Với Việt Nam, dịp kỷ niệm này còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn, vì ngày mai (28-7), tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu lần thứ 97 (UK-97).
Quốc tế ngữ (Esperanto) được bác sĩ Ludwig Lazarus Zamenhof, người Ba Lan sáng tạo ra và công bố năm 1887. Zamenhof tìm cách phát triển Quốc tế ngữ như một ngôn ngữ trung lập, là sở hữu của mọi người, góp phần làm dịu những xung đột do ngôn ngữ và thúc đẩy hòa bình. Với lợi thế đơn giản, dễ nhớ, dễ học, từ đó đến nay Quốc tế ngữ đã liên tục phát triển ra khắp các châu lục, trở thành phương tiện giao tiếp thông thường trên toàn thế giới.
Sau 125 năm hình thành và phát triển, Quốc tế ngữ đã có mặt ở trên 100 quốc gia và đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Trên thế giới hiện có khoảng 10 triệu người sử dụng được Quốc tế ngữ, chủ yếu là ở các nước Châu Âu. Nhiều nhà Quốc tế ngữ đồng thời là những nhà khoa học và hoạt động xã hội nổi tiếng như: nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Đan Mạch Kim Jan Henriksen; nhà nghiên cứu Daniel Bovet (1907-1992), người được trao Giải Nobel Y học năm 1957; tỷ phú George Soros, đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2004... Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, Quốc tế ngữ đang đứng trước nhiều cơ hội được phổ biến rộng rãi hơn, đặc biệt là tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin.
Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng Quốc tế ngữ khá sớm. Mười năm sau khi Esperanto ra đời, năm 1907, Quốc tế ngữ đã được sử dụng tại Đông Dương, với Việt Nam là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế trong khu vực. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, từ giữa tháng 9-1945, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam hằng ngày đã phát sóng những bản tin Quốc tế ngữ đi khắp thế giới. Trong những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam, cộng đồng những nhà hoạt động Quốc tế ngữ thế giới đã mạnh mẽ đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam; trong đó có nhiều bài báo được viết bằng Quốc tế ngữ. Có nhiều tấm gương sáng đầy xúc động vì nhân dân Việt Nam, như cuộc tự thiêu của nhà Quốc tế ngữ người Mỹ, bà Alice Herg ngày 16-3-1965 tại Detroit; và cuộc tự thiêu của nhà Quốc tế ngữ Nhật Bản Jui Cunosin ngày 11-11-1967.
Năm 2010, Ban lãnh đạo Hội Quốc tế ngữ thế giới quyết định chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu lần thứ 97 (UK-97) vào năm 2012. Các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam, được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành đã tích cực chuẩn bị cho UK-97 và đến nay mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam Nguyễn Văn Lợi cho biết, sẽ có hơn 1.000 đại biểu đến từ khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự đại hội. Diễn ra trong một tuần, UK-97 là một hoạt động quốc tế có quy mô lớn, với nhiều hội thảo theo chủ đề đại hội và các hội thảo chuyên đề truyền thống theo chương trình chung; nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, nghệ thuật...
Theo Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam Nguyễn Văn Lợi, với chủ đề "Esperanto - Cầu nối vì hòa bình, hữu nghị và phát triển", UK-97 là một khẳng định của sự phát triển Quốc tế ngữ tại Việt Nam; đồng thời là dịp thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam cho phong trào Quốc tế ngữ toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.