(HNMO) - Kể từ khi phi hành gia Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 20-7-1969, trong lịch sử đã có 12 người từng in dấu chân lên Mặt trăng, mang theo khát vọng chinh phục không gian của nhân loại.
1. Neil Armstrong
Neil Armstrong là Chỉ huy trưởng tàu Apollo 11 và là người đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt trăng. Phát biểu của ông khi đặt chân lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất đã trở thành câu nói bất hủ: “Đó là một bước chân nhỏ bé của một người, nhưng là một bước tiến vĩ đại của nhân loại”.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng, Neil Armstrong sống một cuộc sống bình lặng, từ bỏ công việc ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và dành nhiều thời gian để giảng dạy tại Đại học Cincinnati ở tiểu bang Ohio. Ông qua đời vào năm 2012 tại quê nhà do biến chứng sau ca phẫu thuật tim.
2. Buzz Aldrin
Là phi công trên tàu Apollo 11, Buzz Aldrin là người thứ hai đặt chân lên Mặt trăng, sau chỉ huy trưởng Neil Armstrong. Sau sứ mệnh khám phá Mặt trăng, Aldrin cho rằng nước Mỹ cần vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ và mục tiêu tiếp theo là chinh phục sao Hỏa.
3. Charles Pete Conrad
Sau Apollo 11, Apollo 12 là tàu thám hiểm thứ hai đáp thành công xuống Mặt trăng. Dưới sự chỉ huy của Charles Pete Conrad, con tàu này đã đổ bộ xuống Mặt trăng vào ngày 19-11-1969. Sau khi ngừng công việc ở NASA, ông giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Truyền hình và Truyền thông Mỹ và qua đời vào năm 1999 trong một vụ tai nạn giao thông.
4. Alan Bean
Cùng với Charles Pete Conrad, Alan Bean là một thành viên của tàu Apollo 12 hoàn thành cuộc đổ bộ xuống Mặt trăng lần thứ hai. Năm 1973, ông chỉ huy chuyến bay lên Skylab, trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ. Sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian để vẽ tranh với chủ đề yêu thích nhất là vũ trụ và thám hiểm không gian.
5. Alan Shepard
Giữ trọng trách chỉ huy tàu Apollo 14 trong hành trình thám hiểm Mặt trăng vào tháng 2-1971. Ông là người thực hiện cú đánh golf trên Mặt trăng. Quả bóng đã bay khoảng vài trăm mét trong môi trường không trọng lực. Hai quả bóng golf của Alan Shepard nằm trong số những đồ vật mà con người để lại trên Mặt trăng.
6. Edgar Mitchell
Edgar Mitchell là người thứ 6 bước trên Mặt trăng sau khi du hành trên phi thuyền Apollo 14. Ông là một trong số những phi hành gia giữ quan điểm người ngoài hành tinh là có thật và cho rằng, người ngoài hành tinh đã nhiều lần ghé thăm Trái đất.
7. David Scott
David Scott chỉ huy tàu Apollo 15 đáp xuống Mặt trăng vào tháng 7-1971. Trong chuyến thám hiểm này, ông cùng cộng sự đã điều khiển 3 chiếc xe điện chuyên dụng để thu thập các mẫu đất đá và mang về nghiên cứu.
8. James Irwin
Cùng với David Scott, James Irwin thực hiện nhiệm vụ thu thập các mẫu đất đá trên bề mặt Mặt trăng. Hai người đã dành 3 ngày trên Mặt trăng, trong đó có hơn 18 giờ hoạt động ngoài tàu đổ bộ và thu thập 77 kg đất đá phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
9. John Young
Phi hành gia John Young là người duy nhất trong lịch sử góp mặt trong cả 3 chương trình thám hiểm không gian trên tàu Gemini, Apollo và Shuttle của NASA. Ông đã có 6 lần bay vào vũ trụ và là người điều khiển tàu Apollo 16 thăm dò Mặt trăng năm 1972, trở thành người thứ 9 đặt chân lên Mặt trăng.
10. Charles Duke
Cùng với phi hành gia John Young, trong hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng, Charles Duke đã thu thập 90 kg mẫu đất đá. Trong khi thu thập mẫu vật, Duke đã để lại bức ảnh gia đình (ông chụp cùng vợ và hai con trai) trên Mặt trăng.
11. Eugene Cernan
Ông là người chỉ huy con tàu Apollo 17 đổ bộ Mặt trăng vào năm 1972. Ông từng bay vào vũ trụ 3 lần và bay tới Mặt trăng 2 lần. Trong lần đầu bay tới Mặt trăng vào năm 1969 trên tàu Apollo 10, ông không đáp xuống Mặt trăng mà chỉ thu thập dữ liệu chuẩn bị cho lần hạ cánh đầu tiên của tàu Apollo 11.
12. Harrison Schmitt
Tính tới thời điểm hiện tại, hai phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt là những người cuối cùng in dấu chân trên Mặt trăng. Sau khi rời NASA, ông Harrison Schmitt tham gia hoạt động chính trị và từng giữ chức Thượng Nghị sỹ bang New Mexico.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.