Theo dõi Báo Hànộimới trên

11 giải pháp cấp bách và lâu dài bảo đảm TTATGT ở Hà Nội

Lê Hương| 01/09/2011 06:18

(HNM) - Ngày 31-8, Thành ủy Hà Nội đã tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TƯ ngày 24-2-2003 của Ban Bí thư TƯ Đảng và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 16-8-2007 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Bá Hoạt

Theo báo cáo của UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi tại hội nghị, tình hình giao thông của TP bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hầu hết tuyến đường hẹp (trong tổng số 7.365km đường giao thông thì 80% đường có mặt cắt dưới 11m); quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 7-8% đất đô thị. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng 12-15%/năm (hiện nay TP có hơn 4 triệu phương tiện), trong khi hệ thống vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng 17-18% nhu cầu đi lại; diện tích đất cho bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng 10%. Phát triển đô thị chưa theo kịp với phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT)….

Với phương châm "Tập trung, quyết liệt, kịp thời, dứt điểm, có trọng tâm, hiệu quả và thường xuyên", Thành ủy chỉ đạo các cấp ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tổ chức cuộc vận động "Toàn dân giữ gìn TTATGT", xây dựng các mô hình, câu lạc bộ "Phụ nữ và gia đình thực hiện ATGT"; "Tự quản tuyến phố trật tự vệ sinh, văn minh đô thị". Hà Nội đi tiên phong về xây dựng văn hóa giao thông, với phong trào "Xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"… Mặt khác, TP đã hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo đảm TTATGT, chủ động đề xuất xây dựng, hoàn thiện chiến lược, chính sách quy hoạch phát triển GTVT, kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển KT-XH và tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm. Trong 8 năm, 71 công trình cầu, đường giao thông đã được xây dựng, đưa vào sử dụng. Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 14.865 vụ TNGT, làm 8.862 người chết, 4.391 người bị thương. Lực lượng CATP tiến hành kiểm tra, xử lý hơn 5,6 triệu vụ vi phạm, xử phạt hơn 738 tỷ đồng, tạm giữ gần 26.000 xe ô tô, hơn 346.000 xe mô tô. Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các cấp thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các tụ điểm vi phạm hành lang ATGT, họp chợ trái phép… xử lý 217.001 trường hợp vi phạm, phạt gần 71 tỷ đồng (từ năm 2006 đến nay). Nhờ đó, đã chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. TNGT giảm về số vụ, số người chết, người bị thương...

Mặc dù đã chuyển biến tích cực, nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thừa nhận còn nhiều hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Công tác quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông chậm triển khai; cơ chế đầu tư, quản lý đường và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT chưa duy trì thường xuyên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy cần thực hiện ngay 7 giải pháp cấp bách và 4 giải pháp lâu dài. Trong đó, cần xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ, trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội, của mỗi gia đình và mỗi người. Các cấp ủy cần đề cao vai trò lãnh đạo, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, coi bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác của cấp ủy và chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Thời gian tới, các cấp cần huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia quản lý, giám sát các công trình hạ tầng đô thị, khắc phục kịp thời những "điểm đen" về TNGT. CATP và các lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với các trường hợp điều khiển phương tiện uống rượu bia. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện Luật Giao thông đường bộ, không uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành ủy giao cho UBND TP phối hợp với các bộ, ngành TƯ tiếp tục thực hiện các giải pháp về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông theo Nghị quyết số 16/2008 của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án vận chuyển hành khách công cộng, chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị cấp thoát nước, tạo đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
11 giải pháp cấp bách và lâu dài bảo đảm TTATGT ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.