(HNM) - Hôm nay tròn 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021). Trong suốt chặng đường một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cột mốc 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là “khúc dạo đầu” của thập niên mới.
Dấu mốc nhiều thành tựu
Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời tháng 7-1921. Từ năm 1921 đến năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản quan liêu. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân cả nước giữ gìn độc lập và an ninh quốc gia, thực hiện chuyển biến thành công xã hội Trung Quốc từ chủ nghĩa dân chủ mới sang chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) Đảng Cộng sản Trung Quốc họp cuối tháng 12-1978 đã mở ra một thời kỳ mới cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong công cuộc cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển hướng trọng tâm công tác từ “lấy đấu tranh giai cấp là cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thực hiện cải cách, mở cửa và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Nhờ có chính sách này, kinh tế - xã hội tại Trung Quốc thu được nhiều thành tựu nổi bật, diện mạo đất nước đổi thay, thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18 đến 24-10-2017) với chủ đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đại hội lần này đã đưa ra những quyết sách chiến lược đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước, xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, tươi đẹp”.
Hồi tháng 1-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng xác định đất nước đông dân nhất hành tinh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “xã hội khá giả”, sẵn sàng hướng tới một mục tiêu mới vào năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - khi đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là “đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện”.
Hướng tới các mục tiêu mới
Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Nhà nước và nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vẫn đạt được những kết quả đáng trân trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là hoàn thành mục tiêu 100 năm về xây dựng toàn diện "xã hội khá giả".
Có thể nói những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc đạt được trong thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015-2020) đang tạo đà thuận lợi để quốc gia này triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Tình hình vận hành kinh tế nhìn chung ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục được tối ưu hóa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên hơn 100.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14.000 tỷ USD) trong năm 2020. Trung Quốc cũng đã đạt được những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình đổi mới sáng tạo cũng như về khoa học và công nghệ. Thành quả xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc cũng rất ấn tượng khi 55,75 triệu người dân ở nông thôn đã thoát nghèo. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể, hơn 60 triệu việc làm mới được tạo ra ở các thành phố và thị trấn, xây dựng được hệ thống an sinh xã hội có quy mô lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý, trong 5 năm tới, các chính sách của Trung Quốc sẽ được xây dựng xoay quanh chiến lược “tuần hoàn kép”, gồm "tuần hoàn trong nước" và "tuần hoàn quốc tế" - lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố hồi tháng 5-2020. Theo đó, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một nền kinh tế trong nước tự cường hơn để tăng trưởng và đổi mới công nghệ, thay thế cho tăng trưởng thâm dụng vốn, xuất khẩu giá trị thấp và công nghệ nhập khẩu như trước đây.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, giữ gìn độc lập và chủ quyền của Trung Quốc, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, giữ gìn hòa bình thế giới, thúc đẩy tiến bộ loài người. Mở cửa đối ngoại là một trong những kinh nghiệm cơ bản để nền kinh tế Trung Quốc gặt hái thành công, xây dựng cục diện phát triển mới, thúc đẩy hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, hợp lý hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, cột mốc 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là “khúc dạo đầu” của thập niên mới. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sự phát triển của Trung Quốc đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.