Theo danh sách 10 xu hướng tiêu dùng vừa được Ericsson công bố, năm 2015, người dùng sẽ xem video trực tuyến thường xuyên hơn truyền hình phát sóng thông thường.
Năm 2014 sắp kết thúc và Ericsson ConsumerLab công bố những xu hướng tiêu dùng phổ biến nhất trong năm 2015 và tương lai trong ấn phẩm thường niên xuất bản lần thứ tư. Những kết quả nghiên cứu trong báo cáo “10 xu hướng tiêu dùng nổi bật của năm 2015 và tương lai” thuộc quy mô chương trình nghiên cứu toàn cầu của Ericsson ConsumerLab. Cụ thể 10 xu hướng như sau:
1. Tương lai là truyền hình trực tuyến
Truyền thông đa phương tiện đang ngày càng toàn cầu hóa. Người xem chuyển dần sang các dịch vụ theo yêu cầu thuận tiện sử dụng với khả năng truy cập nội dung video trên nhiều nền tảng khác nhau. 2015 sẽ đánh dấu mốc lịch sử khi ngày càng nhiều người xem video trực tuyến hơn là xem truyền hình phát sóng thông thường ở mức độ hàng tuần. Ở Việt Nam, 30% người dùng Internet thường xuyên cho biết phần lớn họ xem video theo yêu cầu hoặc trực tuyến trong khi đó 23% cho biết chủ yếu nội dung họ theo dõi là qua các kênh phát sóng trên truyền hình.
2. Ngôi nhà hữu ích
Người tiêu dùng rất quan tâm tới những thiết bị cảm biến trong gia đình có khả năng cho biết thông tin về các vấn đề điện nước hoặc việc đi hay ở của các thành viên. Việc sử dụng dịch vụ này tuy còn ở giai đoạn rất mới với Việt Nam nhưng 40% người thường xuyên dùng Internet rất thích thú khi có thể kết nối nhà mình với các thiết bị hoặc với Internet để kiểm soát các yếu tố như nhiệt độ, sấm chớp hay chơi nhạc.
3. Chia sẻ suy nghĩ
Ngày càng có những cách thức mới trong việc kết nối với nhau, với gia đình và bạn bè. Nhiều người dùng smartphone thích sử dụng thiết bị đeo để kết nối với người khác qua ý nghĩ – đây được coi là xu thế phổ biến năm 2020. Cứ 3 người Việt Nam thì có 1 người tỏ ra thích thú việc sử dụng các thiết bị đeo wearables.
4. Công dân thông minh
Bởi Internet cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin nên nhờ đó chúng ta cũng có những quyết định tốt hơn. Người tiêu dùng tin rằng những bản đồ về lưu lượng giao thông, ứng dụng về vịệc sử dụng năng lượng và thiết bị kiểm tra chất lượng nước tức thời sẽ trở thành xu thế năm 2020.
5. Nền kinh tế chia sẻ
Vì Internet giúp chúng ta chia sẻ thông tin một cách hiệu quả và dễ dàng hơn bao giờ hết nên tiềm năng của nền kinh tế chia sẻ là rất lớn. Một nửa số người dùng smartphone chào đón ý tưởng cho thuê các căn phòng còn trống, những thiết bị cá nhân trong gia đình, những thiết bị giải trí vì nó thuận tiện và tiết kiệm chi phí.
6. Ví điện tử
48% người sử dụng smartphone muốn dùng điện thoại thành phương tiện thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ. 80% tin rằng tới năm 2020, chiếc smartphone sẽ thay thế toàn bộ chiếc ví của họ. Trong số những người dùng Internet thường xuyên ở Việt Nam , 19% đã sử dụng điện thoại di động để thanh toán các giao dịch.
7. Thông tin về bản thân
Cho dù việc chia sẻ thông tin nếu mang lại lợi ích là việc nên làm, nhưng người dùng smartphone cảm thấy không cần thiết cho mọi người biết về các hoạt động của họ. 47% người dùng smartphone muốn có tính năng thanh toán điện tử nhưng không muốn bị tự động gửi đi những thông tin cá nhân về họ. 56% người dùng smartphone muốn mọi giao dịch trao đổi qua Internet được mã hóa.
8. Tuổi thọ dài hơn
Những người dùng smartphone đánh giá các dịch vụ đám mây mang lại cho họ cơ hội sống lành mạnh và tuổi thọ lâu hơn. Những ứng dụng chạy bộ, đo mạch, nhịp tim, những cái đĩa có thể đo thức ăn được đánh giá là giúp kéo dài tuổi thọ trung bình là 2 năm đối với mỗi ứng dụng.
9. Rô-bốt trong nhà
Người dùng chào đón ý tưởng về những robot giúp việc vặt trong gia đình. 64% tin rằng đây sẽ là xu hướng phổ biến trong các hộ gia đình vào năm 2020.
10. Trẻ em kết nối vạn vật
Trẻ em sẽ là nhóm đối tượng tạo nên nhu cầu đối với những giá trị hữu hình từ Internet, nơi mà xã hội vật lý cũng có khả năng kết nối như những gì diễn ra trên màn hình của các thiết bị. 46% người dùng smartphone cho rằng trẻ em khi lớn lên sẽ kỳ vọng mọi vật có thể kết nối được với nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.