Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện thể thao Việt Nam tiêu biểu

Nhóm PV thể thao| 31/12/2015 07:54

(HNM) - Năm 2015, thể thao Việt Nam có nhiều chuyển động đáng chú ý. Nhóm phóng viên thể thao Báo Hànộimới đã chọn ra 10 sự kiện có ý nghĩa nổi bật.

Vận động viên cử tạ Vương Thị Huyền.


1. Thể thao Việt Nam (TTVN) xếp thứ ba toàn đoàn tại SEA Games 28 - năm 2015. Tại SEA Games được tổ chức tại Singapore, hơn 85% trong số 73 HCV mà các VĐV của Đoàn TTVN giành được thuộc về các môn thể thao có trong chương trình thi đấu Olympic. Điều này khẳng định tính đúng đắn trong việc định hướng phát triển các môn trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD.

2. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống thể thao và đời sống xã hội Việt Nam với thành tích đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games tại SEA Games 28. Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV Việt Nam đầu tiên đạt thành tích ấn tượng như vậy tại đấu trường SEA Games. Cô trở thành biểu tượng của giới trẻ về nghị lực cũng như sự phấn đấu không ngừng nghỉ, giúp nâng cao vị thế của TTVN trên trường quốc tế. Sau đó, Nguyễn Thị Ánh Viên còn đoạt 2 HCB, 1 HCĐ tại hai giải đấu trong khuôn khổ Cúp bơi lội thế giới, tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp của mình.

3. Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên giành chức vô địch đôi nam trẻ tại giải Wimbledon 2015, một trong bốn giải quần vợt danh giá nhất của quần vợt thế giới. Ngoài ra, Lý Hoàng Nam cũng là tay vợt nam Việt Nam đầu tiên đạt thứ hạng 913 thế giới. Câu chuyện vươn lên của Lý Hoàng Nam cũng tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi, góp phần duy trì khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới trong mọi lĩnh vực của lớp trẻ Việt Nam.

4. Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam giành quyền vào chơi tại vòng chung kết Giải vô địch Bóng đá U23 Châu Á năm 2016. Đây là thành tích ấn tượng nhất trong năm 2015 của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

5. Hoàng Anh Gia Lai đưa lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG tham dự Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp năm 2015, tạo nên "cơn sốt" trên khán đài mỗi khi có đội bóng này thi đấu. Từ trước đến nay, chưa có đội bóng nào làm được điều này. Dù HAGL chỉ xếp hạng 13/14 đội ở Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2015 nhưng sức hút từ lứa cầu thủ trẻ là vô cùng lớn.

6. Vương Thị Huyền trở thành lực sĩ nữ đầu tiên của cử tạ Việt Nam giành HCB tại Giải vô địch Cử tạ thế giới khi đoạt 2 HCB, 1 HCĐ tại Giải vô địch Cử tạ thế giới 2015. Điều này khiến cơ hội giành huy chương ở Olympic 2016 được mở rộng hơn với TTVN, thay vì chỉ trông vào Thạch Kim Tuấn như trước đây. Đây cũng có thể coi là thành công của thể thao Hà Nội trong việc đầu tư trọng điểm.

7. Lần đầu tiên Việt Nam có 3 cầu thủ trẻ được ký hợp đồng với các CLB chuyên nghiệp nước ngoài trong cùng một năm. Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh ký hợp đồng thi đấu cho các đội bóng ở giải hạng nhì Nhật Bản, trong khi đó, Lương Xuân Trường ký hợp đồng với đội bóng Incheon United thuộc giải bóng đá hàng đầu của Hàn Quốc. Cả ba cầu thủ nói trên đều thuộc CLB HAGL, đã tốt nghiệp khóa đào tạo dài hạn đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG.

8. Đoàn thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam xuất sắc đoạt 48 HCV tại Đại hội TTNKT Đông Nam Á năm 2015, xếp thứ tư toàn đoàn. Sự vững vàng của TTNKT Việt Nam tại đấu trường khu vực Đông Nam Á chứng tỏ sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành Thể thao dành cho TTNKT.

9. Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam vượt qua cả Myanmar, Thái Lan để giành vé vào vòng đấu loại cuối tranh vé tham dự Olympic 2016, khu vực Châu Á. Chính thành tích này đã khiến cả trưởng đoàn và HLV trưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Thái Lan phải xin từ chức.

10. Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam phải đền bù toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương do vào bóng thô bạo mang tính triệt hạ đối với cầu thủ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng). Chính vụ đền bù này đã khiến LĐBĐ Việt Nam phải sửa quy định về kỷ luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện thể thao Việt Nam tiêu biểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.