Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện thế giới tiêu biểu trong năm 2003

VANKHANH| 30/12/2003 17:47

Năm 2003 có thể được xem là một năm đầy bất ổn đối với diện mạo chính trị thế giới và các mối quan hệ quốc tế với hàng loạt vấn đề như cuộc chiến Iraq nổ ra, quan  hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương căng thẳng, nội chiến, đảo chính, bệnh dịch, khủng bố…. Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu nhất theo bình chọn của Hànộimới Điện tử.

Thủ đô Baghdad đêm đầu tiên của cuộc chiến

1- Cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ cầm đầu:

Đây là sự kiện quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến cục diện thế giới trong năm 2003 vừa qua khởi sự bằng những tiếng nổ rung chuyển thủ đô Baghdad vào ngày 20/3/2003 bất chấp sự phản đối và lên án của cộng đồng quốc tế. Chưa đầy 2 tháng sau đó, ngày 1/5 Tổng thống Bush tuyên bố kết thúc chiến tranh nhưng tiếng súng vẫn vang lên trên tất cả các vùng lãnh thổ Iraq từ đó đến nay khiến nhiều binh sĩ Mỹ phải bỏ mạng cho thấy một cuộc chiến khác để tái thiết và ổn định đất nước này vấn đang diến ra không kém phần căng thẳng, khốc liệt.

2- Quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương căng thẳng khi Pháp, Đức, hai đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu cùng Nga kịch liệt phản đối cuộc chiến Iraq do Mỹ dẫn đầu. Những nước này cũng từng nhiều lần công khai chỉ trích chính sách hậu chiến của Mỹ ở Iraq. Quan hệ này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, đặc biệt khi gần đây Mỹ thực hiện biện pháp "trả đũa", tuyên bố cấm các công ty của những quốc gia phản đối cuộc chiến tranh Iraq, bao gồm cả 3 nước trên không được tham gia đấu thầu các công trình tái thiết Iraq.

Cuộc sống thời SARS

3- Bệnh dịch Viêm đường hô hấp cấp (SARS) có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc và nhanh chóng lây lan qua đường hàng không sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là ở châu Á, một số nước châu Âu và Canada. Đại dịch SARS khiến cả thế giới hoảng hốt này đã được khống chế vào ngày 5/7 khi Đài Loan chính thức được loại khỏi danh sách những khu vực bị SARS "hoành hành" sau khi cướp đi sinh mạng của gần 800 người trong số 8400 bệnh nhân và gây nên những hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế toàn cầu.

Hàng rào an ninh gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Palestine

4- Tiến trình hoà bình Trung Đông rơi vào bế tắc

với việc ra đi của Thủ tướng Abbas, sự đổ vỡ của thoả ước ngừng bắn được ký kết hôm 26/6 giữa các nhóm vũ trang Palestine, tình trạng bạo lực gia tăng tại Trung Đông và việc Israel quyết định xây dựng hàng rào an ninh lẫn sâu vào vũng lãnh thổ Bờ Tây.


Người dân Liberia chạy nạn do nội chiến

5- Cuộc nội chiến tại Liberia bùng phát vào ngày 19/7 và chỉ chấm dứt khi Tổng thống Saclor Taylor từ chức sang Nigeria cư trú vào ngày 11/8/2003. Cuộc nội chiến khiến hàng nghìn người dân nước này bị thiệt mạng và phải sơ tán khỏi nơi cư trú đã buộc LHQ triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tại đây.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Saudi Arabia

6- Cuộc chiến chống khủng bố tiếp tục được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu mặc dù các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự vẫn liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Moroco… Tuy nhiên cuộc chiến này đã đạt được sự đồng thuận lớn giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là sự hợp tác mạnh mẽ hơn của ASEAN trong vấn đề này thể hiện qua việc bắt giữ trùm khủng bố Hambali của nhóm Jemaah Islamiyah có liên quan đến al-Qaeda cùng những biện pháp mạnh tay của chính phủ Indonesia, Philippine…trong cuộc chiến không khoan nhượng này. 

Các trưởng đoàn đàm phán

7- Cuộc đàm phán 6 bên đầu tiên kéo dài 2 ngày về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giữa CHDCND Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu vào ngày 27/8/2003. Tuy nhiên cuộc đối thoại rất được mong đợi này đã không đạt được bước đột phá nào vì cả hai đối tác chính là Mỹ và CHDCND Triều Tiên không thay đổi lập trường, Washington muốn Bình Nhưỡng phải từ bỏ tham vọng hạt nhân trong khi nước này yêu cầu Mỹ phải đảm bảo an ninh bằng cách ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và xúc tiến các hoạt động ngoại giao và kinh tế.

8- Nghị viện châu Âu phê chuẩn quyết định mở rộng Liên minh châu Âu (EU) lên 25 nước thành viên. Đây được coi là một bước đi lịch sử thống nhất lại châu Âu sau nhiều năm chia rẽ bởi Chiến tranh lạnh và được hy vọng sẽ mang lại sự đoàn kết, tập hợp sức mạnh chung cũng như phát huy lợi thế của từng quốc gia trong châu lục này.

Người dân Kashmir vui mừng trước lệnh ngừng bắn ở khu vực

9- Quan hệ Ấn Độ -Pakistan có dấu hiệu nồng ấm

sau 18 tháng căng thẳng, có lúc như đang trên bờ vực chiến tranh cùng với việc hai nước tuyên bố ngừng bắn và rút dần quân đội khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp đầy bất ổn Kashmir cũng như nối lại một số hoạt động giữa hai bên như giao thông đường bộ, hàng không, thương mại…


Tổng thống Shevardnadze

10- Cuộc "đảo chính không đổ máu" tại Gruzia bắt đầu bằng các cuộc biểu tình rầm rộ do phe đối lập tổ chức trong nhiều ngày với hàng chục nghìn người tham gia buộc Tổng thống Shevardnadze phải quyết định từ chức sau 10 năm trên cương vị này.

Vân Khanh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    10 sự kiện thế giới tiêu biểu trong năm 2003

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.