Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 năm nối nhịp cầu nhân ái

Linh Chi| 09/08/2011 06:57

(HNM) - 10 năm nay, bà Tạ Thị Thịnh (69 tuổi, tình nguyện viên, đại diện Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin tại miền Bắc) miệt mài xây những nhịp cầu, nối trẻ em bị dị tật do nhiễm chất độc da cam (CĐDC) với những người bạn ở Pháp.


Bà Thịnh tham gia hội ngay từ khi mới thành lập (năm 2001). Đây là hội những người tình nguyện hỗ trợ trẻ em Việt Nam nhiễm và bị ảnh hưởng chất độc dioxin. Tuổi cao nhưng bà không quản ngại gian khó, xa xôi, trực tiếp khảo sát các hộ gia đình có trẻ nhiễm CĐDC, khó khăn đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Từ kết quả khảo sát, bà hướng dẫn các hộ được lựa chọn làm hồ sơ, liên hệ với tổ chức ở Pháp để tìm gia đình đỡ đầu cho trẻ nhiễm dioxin. Ban ngày, bà Thịnh thường gặp gỡ gia đình trẻ được hỗ trợ, tìm hiểu hoàn cảnh sống, tình trạng bệnh tật, giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, động viên các gia đình vượt khó vươn lên. Buổi tối, bà dịch thư giữa tổ chức bên Pháp với các gia đình có trẻ được hỗ trợ và ngược lại. Thường xuyên cập nhật thông tin, tài chính minh bạch, bà trở thành cầu nối tin cậy để các gia đình đỡ đầu hỗ trợ kịp thời khi gia đình trẻ nhiễm CĐDC gặp khó khăn. Đến nay, hàng chục trẻ bị dị dạng do ảnh hưởng CĐDC được hỗ trợ mổ tim, chỉnh hình. Hàng trăm trẻ và gia đình được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định.

Bà Thịnh nhớ nhất trường hợp của Hoàng Thị Nguyệt (sinh năm 1984, ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Nguyệt bị dị tật, không đi được mà phải bò. Được cấp học bổng hằng năm (mỗi năm 100 euro), em có điều kiện học văn hóa, học nghề may. Sau hai năm, được gia đình đỡ đầu chu cấp tiền phẫu thuật chỉnh hình, Nguyệt đã đi lại được bằng nạng. Từ cầu nối kịp thời của bà Thịnh, Nguyệt mở được hiệu may, sửa sang được nhà cửa. Sau 9 năm được hội giúp đỡ, Nguyệt có cuộc sống ổn định với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, em là tình nguyện viên của hội trong những công việc phù hợp sức của mình.

10 năm dành cả tâm sức, thời gian chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi, với bà Thịnh, điều quan trọng nhất là làm sao để những trẻ nhiễm CĐDC được hỗ trợ, cho chúng bớt phần thiệt thòi. Bà luôn tự nhủ: Còn sức khỏe, còn cố gắng để cuộc sống của trẻ nhiễm CĐDC có nhiều niềm vui hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm nối nhịp cầu nhân ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.