Hạ Long, Long Cốc, Kê Gà, Phú Quý, Tuyền Lâm... là 5 trong số 10 điểm đến Việt Nam đẹp huyền ảo qua ống kính, được nhiếp ảnh gia Tonkin chia sẻ với bạn đọc nhân dịp năm mới 2019.
Là người cầm máy ảnh với niềm say mê, yêu thiên nhiên, muốn lưu giữ lại vẻ đẹp mọi miền quê nước Việt, tôi luôn nỗ lực thu vào ống kính tất cả những vẻ đẹp cảnh quan, các công trình kiến trúc trước những biến đổi của thời gian và khí hậu. Có những nơi tôi trở lại nhiều lần trong năm để kịp ghi lại sự đổi thay diện mạo kỳ diệu trong từng thời điểm. Đó luôn là những hành trình tạo nên nhiều cảm hứng để tôi tiếp tục đi và sáng tác những tấm hình ưng ý.
Vịnh Hạ Long - nơi “rồng hạ cánh”
Nói đến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là nói đến vẻ đẹp thần tiên của non nước mây trời, nơi những đảo đá như vươn dậy từ mặt nước bao la. Vịnh Hạ Long như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động với hàng nghìn đảo đá, những con thuyền với cánh buồm nâu thong dong dạo chơi trên biển xanh mênh mông.
Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi. Các đảo trên vịnh có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau. Cũng có nơi đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục km như một bức tường thành… những nét chấm phá cực kỳ tài nghệ dưới bàn tay khéo léo của tạo hóa.
Vịnh có hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Quá trình Carxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới, vẻ đẹp ấn tượng của Top 7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, top 10 Điểm du thuyền hấp dẫn nhất thế giới, một trong số 29 Vịnh đẹp nhất được Câu lạc bộ Những vịnh Thế giới xếp hạng.
Để bắt được những khoảnh khắc bình minh đến sớm trên biển, tôi thuê thuyền ra khu vực hòn Trống Mái từ 4h sáng. Sau đó, tôi di chuyển chụp vòng quanh đảo Ti Tốp. Độ cao flycam thường ở khoảng 200-500 m. Khoảng 11h, tôi cho thuyền chạy sang Bái Tử Long để chụp cảnh làng chài trên vịnh.
Vẻ đẹp tiềm ẩn vịnh Bái Tử Long
Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, bao gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn, phía tây nam giáp vịnh Hạ Long, phía đông giáp biển, phía tây giáp đất liền với thành phố Cẩm Phả và phía đông bắc giáp huyện đảo Cô Tô.
Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ và trong đó có nhiều đảo lớn và có dân sinh sống. Người dân nuôi cá trong những làng chài rất bình dị, bè nằm san sát, thấp thoáng vài lán bè tựa lưng vào núi, những chiếc bè với các phao nổi tròn như quả bóng xếp hàng thẳng tắp cùng trùng trùng điệp điệp của núi, của biển và mây trời.
Các lán nuôi cá bè nằm dọc theo các vách núi, còn bè cá nằm ngay dưới gầm sàn dưới sân. Làng chài được bao bọc bởi những đảo đá, mặt nước biển trong khuôn viên nơi đây chỉ gợn lăn tăn như mặt nước hồ thu. Tới đây vào dịp hè, chúng tôi được chiêm ngưỡng những vùng biển xanh biếc, phẳng lặng như gương. Trên mặt nước, những cô thôn nữ khua nhẹ mái chèo đưa các đoàn khách ngao du sơn thủy.
Long Cốc - những đảo chè tuyệt đẹp trong sương
Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 3h sáng, dọc theo đại lộ Thăng Long đi về hướng Thanh Sơn (Phú Thọ), tìm tới xã Long Cốc. Cả đoàn hướng tới đồi chè Ông Giang, tên gọi vui mà anh em nhiếp ảnh trong một lần thất thủ đã đặt theo tên một thành viên trong đoàn.
Sau đó, các anh em đi bộ men theo sườn đồi để tìm những điểm cao nhất trong sương mù tháng 11. Đứng trong màn sương trắng xóa, theo kinh nghiệm, phải đưa thiết bị bay lên khoảng 200 m để vượt khỏi tầm sương. Nếu bay cao hơn sẽ không thấy đồi chè mà chỉ là một biển sương dày đặc. Khi ráng hồng ửng lên phía chân trời, tôi cất cánh drone cao lên khoảng 160 m và thường xuyên duy trì ở ở độ cao này để vượt qua làn sương và vừa đủ tầm nhìn với các đồi phía dưới.
Thấp thoáng như những tấm mai rùa xanh ẩn hiện trong màn sương buổi sáng dưới ánh bình minh, đó chính là những đồi chè ở Long Cốc, Tân Sơn, Phú Thọ.
Đồi chè Long Cốc nằm cách Hà Nội khoảng 130 km về phía tây nam. Đây được xem là đồi chè đẹp nhất Việt Nam đối với dân nhiếp ảnh. Nơi đây có từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Từ con đường mòn dưới chân đồi chúng tôi đi theo con đường uốn lượn dẫn lên cao, hai bên là những đồi chè hình bát úp san sát, trải dài miên man.
Khi tới nơi “ngự trị” của 4 quả đồi to đẹp nhất nằm liền kề, nối tiếp nhau, cảnh quan hiện ra trước mắt vô cùng mãn nhãn. Ngay đây là những búp chè xanh non mơn mởn đang đến kỳ thu hoạch, xa kia là những cung đường quanh co ảo diệu dẫn từ ngọn đồi này tới ngọn đồi khác... Cảnh quan cứ thế luân chuyển liên tục, mỗi khúc quanh lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Cảm giác bình yên bao trùm cả một vùng không gian xanh ngát.
Hội An - phố cổ yên bình bên sông Hoài
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Phố Hoài ngày nay đã trở thành một bảo tàng trên phố, một phòng tranh ngoài trời, thành nơi lưu giữ và bảo tồn rất nhiều kiến trúc truyền thống mà văn hóa Pháp, Nhật, Hoa, Việt… đã để lại đây qua nhiều thế kỷ. Con người nơi đây luôn duy trì những nét đẹp xưa để làm cho phố thêm nét cổ và làm cho cái cổ trở nên sống động, hấp dẫn, đầy đủ bản sắc đặc trưng của một Hội An mộc mạc và dung dị, làm nên thứ văn hóa trầm tích ngàn năm với những ngõ nhỏ, phố nhỏ bình yên bên dòng sông Hoài.
Điểm chụp tôi chọn là bờ kè sau chợ Hội An với độ cao 40-80 m. Bình minh Hội An diễn ra rất nhanh nên thời gian bay chỉ kéo dài từ 5h45 đến 6h30.
Biển Bình Thuận quyến rũ với Mũi Kê Gà
Kê Gà là một mũi đất nhô ra biển Đông cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 40 km về phía tây nam. Mũi Kê Gà nổi tiếng với nước biển xanh mát, những ngọn núi được phủ đầy cát trắng tạo nên những điểm nhấp nhô tuyệt đẹp. Mũi Kê Gà vẫn còn khá hoang sơ. Thủy triều lên đã biến nơi đây thành một hòn đảo biệt lập, vây quanh là biển xanh. Những hòn đá đủ kích thước lớn, nhỏ và hình dạng tròn vuông, ngắn dài phơi mình bên bãi biển như đang "bày binh bố trận".
Người dân địa phương từ lâu đã ví von những bãi đá này như một vườn đá. Cái tên Mũi Kê Gà ra đời cũng bởi những phiến đá ấy lấn dần ra biển, rồi sóng đã vô tình xếp đặt chúng thành hình dáng. Điểm cao đẹp nhất ở Mũi Kê Gà là hải đăng Kê Gà - ngọn hải đăng cao thứ nhì và cổ nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng phần tháp đèn xây bằng đá đã cao tới 35 m, chiều cao từ ngọn đèn đến mặt biển là 65 m. Bên trong hải đăng là 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép cùng hàng trăm bậc tam cấp dẫn đến đỉnh. Ngọn hải đăng sừng sững giữa bầu trời, soi bóng trên biển.
Sức quyến rũ của Kê Gà đến từ vẻ yên bình, tĩnh lặng và có phần hoang sơ, bình dị, với biển xanh, không khí trong lành, ngọn hải đăng hoài cổ, bãi đá vàng phơi mình trong nắng cùng làn gió tươi mát.
Do bình minh trên biển đến sớm, tôi chọn ngủ ngay gần chân hải đăng để sáng sớm đi bộ vào bãi biển. 4h30 tôi có mặt. Do ngọn hải đăng cao gần 70 m, tôi thường bay ở độ cao ngang bằng hải đăng trở lên. Chụp xong, chúng tôi từ hải đăng di chuyển vào cảng Phan Thiết để lên tàu ra Phú Quý.
Đảo Phú Quý nhìn từ trên không
Đảo Phú Quý hay còn gọi là Cù Lao Thu là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km, có diện tích 16 km2. Vùng đảo Phú Quý mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người.
Qua những khúc quanh, biển xanh ngắt hiện ra không hề báo trước, đem lại một sự bất ngờ ngọt ngào. Nơi đây có những bãi cát vàng trải dài bất tận, sóng nước xanh biếc xô bờ, nắng ấm trong vắt tỏa sáng ngày mới. Gió biển mơn man, nước xanh tươi mát, trời cao lồng lộng cùng khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ. Biển xanh mênh mông bao bọc “ốc đảo” Phú Quý.
Đất trời Phú Quý như hòa vào làm một. Cảnh sắc mang đậm nét hoang sơ của vùng biển đảo nhưng vô cùng hùng vĩ và tráng lệ. Khí trời mát mẻ cùng gió biển làm tâm hồn thơ thới, một cảm giác tĩnh lặng bình yên len lỏi nơi trái tim, xoa dịu những khô cằn mệt mỏi, cuốn phăng mọi âu lo theo những đợt sóng đầy bọt trắng xóa.
Đà Lạt - xứ sở sương rơi không bao giờ chán
Khung cảnh đẹp nhất của phố núi Đà lạt (Lâm Đồng) là những bình minh lộng lẫy khi cả thành phố bồng bềnh trong biển mây cùng đón mặt trời ló rạng, những tia sáng mờ ảo xuyên qua rặng thông chạm xuống các mái nhà. Tôi đưa flycam lên độ cao 80-250 m, chờ sương mỏng dần để thấy các kiến trúc thành phố lộ ra và ánh nắng mới lên ngả vàng các đám sương.
Mùa sương ở Đà Lạt thường xuất hiện từ tháng 2 tới tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10. Tùy vào lượng mưa hàng ngày tại từng địa điểm cụ thể và giờ nắng trong ngày, sương mù diễn ra với những mức độ khác nhau tại từng địa điểm. Có những hôm sương bay bảng lảng trước sân nhà, sương vờn trên thành phố.
Chúng tôi vẫn thường săn mây trên đèo Long Lanh, điểm cao lý tưởng nơi có thể phóng tầm mắt bao trọn một vùng. Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, tâm hồn vừa thư thái vừa reo vui phấn khích bắt lấy khoảnh khắc sương long lanh đẫm trên cỏ, ánh nắng đầu tiên của ngày mới chiếu qua những tán thông tạo nên những luồng ray sáng hoàn hảo. Mây mỏng lãng đãng khi ấp ôm lưng núi, khi luồn lách qua những rừng thông, đồi cỏ, ruộng rau vừa sống động vừa rất đỗi mơ hồ.
Ở Đà Lạt còn có hồ Tuyền Lâm đầy quyến rũ. Hồ nước ngọt nhân tạo này hình thành từ thập kỷ 30 và được bao bọc bởi dòng suối tía và ngọn núi Voi hùng vĩ. Đây là một trong những hồ nước ngọt rộng nhất ở thành phố Đà Lạt với diện tích lên tới 320 ha. Trong hồ có khá nhiều ốc đảo nhỏ và bao quanh hồ là rừng thông xanh mướt.
Vào các buổi sáng tinh mơ, từ trên đỉnh núi ngắm nhìn hồ Tuyền Lâm sẽ thấy màn sương bao phủ ngọn núi nhấp nhô và ánh bình minh hé lộ. Nắng ban mai chiếu xuống làm cảnh sắc mặt hồ sinh động hẳn lên, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Suối và rừng hòa quyện cuốn chặt lấy nhau.. Mặt hồ phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng.
Nắng càng lên bầu trời càng sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh. Bạn sẽ có cảm giác tưởng như đang lạc vào một cõi thần tiên thơ mộng nào đó, ngắm trời mây và tận hưởng bầu không khí thanh khiết.
Hồ Tà Đùng - vịnh Hạ Long của Tây Nguyên
Hồ Tà Đùng (Đắk Nông) như một mặt gương xanh biếc nổi bật giữa núi rừng Tây Nguyên hoang sơ. Với cấu tạo đặc trưng gồm các cồn liền kề nhau, khi ngắm nhìn hồ Tà Đùng từ trên cao, du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của thiên nhiên với khoảng 40 ốc đảo lớn nhỏ, nhấp nhô trên mặt hồ.
Những tảng mây lớn trắng muốt chầm chậm trôi tạo nên cảnh sắc kỳ vĩ. Hồ Tà Đùng đẹp nhất vào mùa tích nước, từ tháng 8 và kéo dài đến tháng 12. Vì ở thời điểm này, nước hồ dâng cao, trong xanh và những cơn mưa cũng khiến cây cối trên các hòn đảo nhỏ trở nên xanh tốt, mượt mà.
Cầu Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, trót đến không muốn về
“Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Cần Thơ là một đô thị lớn có mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết hợp sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm, một trong những khu chợ đông đúc ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi sáng, giữa bốn bề sông nước, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát với hình ảnh cây bẹo chào hàng, trên thuyền treo bán sản vật bán không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền. Hoạt động buôn bán sôi nổi chân chất của người dân miền sông nước với đủ các loại hàng hóa từ nông sản đến nhu yếu phẩm… từ các địa bàn lân cận đem tới tụ họp buôn bán làm cho chợ nổi Cái Răng ngày thêm sung túc, phong phú.
Những chiếc ghe thuyền đủ màu xuôi ngược, người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt. Tất cả tạo nên vẻ đẹp của đời sống, của sông, của nước mênh mông và cởi mở.
Cầu Cần Thơ nằm vắt ngang qua con sông Hậu hiền nối liền hai tỉnh miền Tây Nam Bộ là Vĩnh Long và Cần Thơ, là cây cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á với 216 sợi dây văng. Khoảng cách hai bờ sông Hậu lớn hơn sông Tiền khiến cây cầu vừa trải dài ra, vừa cao hơn, kỳ vĩ đến ngỡ ngàng. Nhìn từ xa có những đoạn võng nhẹ nhàng đẹp mắt. Ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan như dệt trên nền trời xanh. Hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ về đêm cùng thiết kế uyển chuyển cũng giúp cầu Cần Thơ ghi tên mình vào danh sách những cây cầu đẹp nhất Việt Nam.
Hòa mình với thiên nhiên ở Tràm Chim
Xuất phát từ TP.HCM lúc 2h sáng, sau 3 tiếng lái xe, chúng tôi có mặt ở rừng tràm kịp đón bình minh. Nằm giữa vùng đất ngập nước mênh mông, vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) vào mùa tháng 5 xanh mướt mát. Vùng đất này là nơi phát triển của thảm thực vật đa dạng với rừng tràm, đầm lầy, lúa trời, cỏ năng, cỏ ống, bèo... Những chú chim đang trú ngụ thấp thoáng trong tán cây như những đốm trắng nhỏ.
Thuyền đưa du khách lướt trên những "con đường màu xanh" với bèo tây ken đặc như tấm thảm. Tháng 11, Tràm Chim lại mang một diện mạo khác, bàng bạc mùa tràm thay lá. Sáng sớm mây thấp bay là là dạo chơi.
Từng đàn chim cả trăm con sải cánh tạo nên một cảnh tượng thanh bình quyến rũ. Chiếc đò chèo qua một dòng kênh nhỏ, len lỏi chạy xuyên qua những tán tràm. Xen giữa những cánh rừng tràm, một trảng cỏ năng xanh mênh mông rập rờn theo gió. Cảm giác hòa mình với thiên nhiên thật tuyệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.