Sáng 30-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 10 dấu ấn giáo dục và đào tạo nổi bật năm 2023.
1. Sau 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngành Giáo dục và đào tạo đang từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng
Ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ“Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của nước ta. Giáo dục và đào tạo đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội, hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng miền
Để tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển của 6 vùng kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 6 hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng. Bộ cũng đã ban hành 6 kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng.
3. Kiên trì mục tiêu đổi mới
Năm 2023 đánh dấu nửa chặng đường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
4. Phê duyệt sách giáo khoa mới bảo đảm chất lượng, thẩm định đúng kế hoạch
Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung, chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn, bảo đảm công khai, dân chủ.
5. Xác định phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025
Nội dung kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, môn toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo, bổ sung biên chế giáo viên.
Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng đã giúp cho mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện.
Tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên.
7. Gặp gỡ hơn một triệu giáo viên cả nước với sự chia sẻ, đồng thuận, quyết tâm đổi mới giáo dục
Ngày 15-8-2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ theo hình thức trực tuyến với hơn một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức.
Bộ trưởng đã trao đổi, giải đáp nhiều mong mỏi, ý kiến của giáo viênvà khẳng định: Lãnh đạo Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số
Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống HEMIS kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời
Ngày 10-6-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.
10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực đạt thành tích cao. Theo đó, có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia đều đoạt giải với 8 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, 12 Huy chương đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.