Theo dõi Báo Hànộimới trên

Zika vào Việt Nam, phụ nữ mang thai nên làm gì?

Thanh Hương| 05/04/2016 13:04

(HNMO) - Theo PGS.TS. Trần Danh Cường-Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ có thai trong vùng dịch cần đi xét nghiệm, siêu âm 2 tuần 1 lần…

(HNMO) - Theo PGS.TS. Trần Danh Cường-Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ có thai trong vùng dịch cần đi xét nghiệm, siêu âm 2 tuần 1 lần…

Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm vi -rút Zika, trong đó có một bệnh nhân là phụ nữ mang thai 8 tuần. Mà phụ nữ mang thai bị Zika thai nhi dễ mắc tật đầu nhỏ.  Sáng nay, báo chí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương xung quanh vấn đề này.


-Xin ông cho biết nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ?

- Chứng đầu nhỏ ở trẻ có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có 3 nguyên nhân chính: Nhiễm độc (do chiếu xạ), di truyền (đột biến một số nhiễm sắc thế và đột biến gen), nhiễm trùng (những nhiễm trùng thường gặp nhất là ký sinh trùng, vi rút).

-Vậy, những em bé mắc tật đầu nhỏ bị di chứng như thế nào, thưa ông?


- Những trẻ bị đầu nhỏ bị di chứng hết sức nặng nề. Em bé sẽ bị ảnh hưởng về thần kinh, trí tuệ và vận động.

- Có thể phát hiện thai nhi bị chứng đầu nhỏ qua biện pháp nào, thưa ông?

PGS.TS. Trần Danh Cường-Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

-Việc sàng lọc và chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ được thực hiện bằng việc đo kích thước của đầu trong quá trình siêu âm thai-phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay để chẩn đoán hội chứng đầu bé. Đo kích thước của đầu như đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu, trong đó đo chu vi đầu là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện não bé. Khi đo mà nghi ngờ đầu nhỏ sẽ so sánh với bảng chuẩn phát triển của chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó biết được tốc độ phát triển của chu vi đầu. Ở một mức đó nào đó mà nghi ngờ bị hội chứng não bé sẽ tiến hành hội chẩn để biết có phải hội chứng đầu bé hoặc não bé ở thai nhi hay không. Như vậy, để phát hiện hội chứng đầu bé rất đơn giản là siêu âm đo kích thước cho thai.

-Ở phụ nữ mang thai nhiễm Zika, tỷ lệ thai nhi mắc đầu nhỏ có cao không, thưa ông?


-Chúng ta đều biết hội chứng đầu nhỏ là bệnh hiếm gặp. Hiện nay chỉ nghi ngờ sự liên quan giữa em bé bị chứng đầu nhỏ với bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika nhưng cơ chế lây bệnh và cơ chế tác dụng của vi rút Zika với chứng đầu bé vẫn chưa được khẳng định. Vi rút Zika lây qua muỗi mà nước ta là nước nhiệt đới nên muỗi rất nhiều, vì thế, việc phòng và phát hiện hội chứng đầu bé ở phụ nữ mắc Zika là rất cần thiết.

Không phải tất cả những trường hợp nhiễm Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ, tỷ lệ này ở Brasil chưa đến 10%. Vì thế, dù Việt Nam đã có hai trường hợp  nhiễm Zika nhưng người dân không nên quá lo lắng.

- Nếu phụ nữ mang thai mắc Zika, phát hiện thai nhi mắc chứng đầu nhỏ do Zika thì nên làm thế nào, thưa ông?

-Câu hỏi này có nghĩa là xử lý thai đó như thế nào, ngừng thai nghén hay tiếp tục để thai. Cái này thuộc về chẩn đoán trước sinh. Như tôi đã nói, hậu quả của em bé bị chứng đầu nhỏ là hết sức trầm trọng, đặc biệt là về thần kinh. Vấn đề này tùy theo tôn giáo, một số nước không cho đình chỉ thai nghén nhưng tại Việt Nam Nam việc đình chỉ thai nghén hoàn toàn cho phép.

Cho nên khi khẳng định thai bị chứng đầu bé do bất kỳ nguyên nhân gì thì khuyến cáo là nên ngừng thai nghén.

Việc ngừng thai nghén tùy theo tuổi thai. Đối với trường hợp phát hiện trước 22 tuần thì việc ngừng thai nghén dễ dàng nhưng trường hợp phát hiện muộn, sau 32 tuần thì việc ngừng thai nghén là tương đối khó khăn vì khả năng sống của em bé.

Không phải cứ phụ nữ mang thai nhiễm Zika là ngừng thai nhi. Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika nhưng  thai nhi không bị ảnh hưởng thì hoàn toàn có thể theo dõi quản lý thai như bình thường.

- Ông có lời khuyên gì với những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai trong bối cảnh Zika đã xuất hiện ở Việt Nam?

-Như Bộ Y tế đã khuyến cáo, phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika và khám thai định kỳ.

Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika.

-Xin cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Zika vào Việt Nam, phụ nữ mang thai nên làm gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.