(HNM) - Dù được phát hiện tại Uganda từ năm 1947 nhưng phải tới năm 2014, thế giới mới thực sự hoảng hốt vì Zika sau đợt bùng phát tại Châu Mỹ. Kể từ đó, toàn bộ khu vực Mỹ La tinh và Caribbean liên tục chứng kiến sự hoành hành của loại vi rút nguy hiểm này với trọng điểm là Brazil.
Ngày 11-9, Chính phủ Singapore cho biết, số ca nhiễm vi rút đã lên tới 329 người sau khi bệnh nhân đầu tiên tại đảo quốc Sư tử mới được phát hiện vào ngày 27-8. Cũng trong ngày 11-9, Thái Lan thông báo phát hiện thêm 21 ca lây nhiễm Zika tại thủ đô Bangkok; trong khi Malaysia, Philippines cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.
Zika có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực Đông Nam Á. |
Tới nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nhiễm vi rút Zika sẽ đối mặt với những triệu chứng phổ biến như sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, khớp và phát ban. Tuy nhiên, mối nguy hiểm thực sự lại nằm ở việc phụ nữ mang thai nhiễm Zika có thể sinh ra con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 4-2015 tại Brazil, số trẻ bị tật đầu nhỏ trong năm 2015 riêng ở nước này đã tăng gấp 10 lần so với những năm trước. Một số vùng khác như Polynesia (Pháp) cũng ghi nhận sự gia tăng dị tật não và cột sống ở thai nhi và trẻ sơ sinh trong những năm qua. Tới nay, các cơ quan y tế đều cho rằng, nhiễm Zika có mối liên quan với những bất thường nêu trên nếu người mẹ bị nhiễm loại vi rút này trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ. Do đó, dù không phải loại bệnh “vô phương cứu chữa” và tỷ lệ khỏi bệnh là rất cao, nhưng những di chứng mà Zika gây ra đối với phụ nữ mang thai và đặc biệt là cơ chế lây lan dễ dàng qua loại muỗi Andes gây nên nỗi hoảng sợ, tâm lý hoang mang cho nhiều người. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội và đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch tại những quốc gia mà nó xuất hiện. Chỉ ngay sau khi những thông tin về Zika xuất hiện, các nước đã đưa ra cảnh báo đối với người dân có kế hoạch du lịch tới các vùng dịch. Khuyến nghị trên ngay lập tức dẫn tới việc nhiều công ty du lịch nhận thấy tín hiệu rõ ràng về sự suy giảm số lượng tour đăng ký tới những quốc gia có Zika do tâm lý e ngại về sức khỏe. Đây là thực tế mà những quốc gia có tỷ trọng đóng góp lớn của “ngành công nghiệp không khói” vào nền kinh tế chiếm vị trí quan trọng như Singapore, Thái Lan hay Malaysia.
Cho đến nay, việc đối phó với sự bùng phát trên diện rộng của dịch Zika hoàn toàn chỉ là giải pháp tuyên truyền cho người dân, khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm trực tiếp và diệt các tác nhân truyền bệnh, nổi bật nhất là diệt muỗi. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự hiện diện của Zika tại 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như thế để thấy rằng, việc kiểm soát bệnh dịch không đơn giản và cần sự phối hợp của nhiều lực lượng trong một quốc gia và giữa các nước, các khu vực.
Riêng đối với Đông Nam Á, nơi được xem là một “thiên đường du lịch” hấp dẫn khách du lịch quốc tế - dự kiến có thể đứng thứ tư trên thế giới với hơn 187 triệu lượt khách/năm theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) - thì việc kiềm chế sự lây lan thành một đại dịch của Zika là vô cùng cấp thiết. Điều này không chỉ đóng góp cho mục tiêu thúc đẩy tiềm năng du lịch của khu vực mà còn có ý nghĩa quyết định đối với thành quả tăng trưởng kinh tế chung của cả Đông Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.