(HNM) - Mục tiêu giữ ổn định đất lúa bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) là yếu tố sống còn với một nước dân số chủ yếu sống bằng nông nghiệp (NN) như Việt Nam. Vấn đề đặt ra không mới nhưng luôn mang tính thời sự.
Nông dân cần nhận được mức thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra. Ảnh: Minh Sơn
Trồng lúa, không phải ngành kinh tế thuần túy
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đưa ra kịch bản xấu nhất, đến năm 2030, cho dù diện tích đất trồng lúa của nước ta chỉ còn 3 triệu hécta, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha và mức tiêu dùng là 120kg/người/năm, Việt Nam vẫn bảo đảm ANLT và còn dư 1,2 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Song với một nước NN, đất lúa luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, nhiều chuyên gia hàng đầu ngành NN lo ngại diện tích đất NN giảm nhanh tại một số tỉnh, thành phố. Từ thực tế, tại hội thảo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến thống nhất với mục tiêu đến năm 2020 giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu hécta để bảo đảm ANLT trong dài hạn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) Phan Huy Thông cho rằng: "Vấn đề ANLT không thể nghĩ trong vòng 20-30 năm mà phải nghĩ đến hàng trăm năm, làm sao không chỉ đời sống của chúng ta mà còn của con cháu và các thế hệ mai sau phải được bảo đảm". Cũng đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc dẫn chứng: "Để trồng lúa, cây lương thực, cần nhất là đất đai. Đất không thể "đẻ" thêm, trong khi dân số ngày càng tăng lên. Bất cứ quốc gia nào, người dân cũng cần phải sống bằng lương thực. Vì vậy, để bảo đảm ANLT quốc gia buộc phải giữ đất lúa. Hơn nữa, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bài học rút ra là muốn phát triển bền vững, không có gì thay thế được việc cần thiết phải đầu tư cho NN. Và rõ ràng, xét về tầm nhìn, giữ đất lúa là hoàn toàn cần thiết".
Ông Lê Quốc Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: "Chìa khóa cho việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất là một chiến lược quy hoạch tổng thể và sử dụng đất hết sức tiết kiệm. Trong đó, bảo vệ đất trồng lúa là nhiệm vụ hàng đầu. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xác định trồng lúa không phải là một ngành kinh tế thuần túy, nó còn là vấn đề ANLT và an sinh xã hội". Theo ông Lê Quốc Dung, Nhà nước cần giữ đất lúa bằng chính sách, về lâu dài cần đưa ra bản đồ diện tích lúa và coi đó là vùng bất khả xâm phạm. Trong 3,8 triệu hécta đất lúa, phải xác định Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng chuyên canh lúa, công nghiệp không được đụng chạm đến hoặc chỉ phát triển ở quy mô nhỏ.
Vì sao nông dân không thiết tha trồng lúa?
Hiện nay, Việt Nam có 4,1 triệu hécta đất canh tác bảo đảm ANLT cho khoảng 87 triệu dân. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người khoảng 1,5 sào/người. "Do diện tích canh tác không nhiều, nên phải thâm canh, tăng năng suất quanh năm mới đạt được năng suất như hiện nay. Nói như thế để thấy, diện tích đất lúa của chúng ta không "thừa thãi" như một số người lầm tưởng. Hơn nữa, năng suất sinh học của cây lúa là có giới hạn. Nếu muốn bảo đảm đủ ăn cho một số lượng người ngày một đông thêm, với số lượng đất trồng ngày một ít cần phải tính toán quy hoạch hợp lý" - ông Nguyễn Trí Ngọc nhận định. Một vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập, đó là thu nhập của người trồng lúa khá thấp so với các ngành nghề khác, khoảng 8 triệu đồng/người/năm, điều đó xảy ra tình trạng người dân một số nơi không thiết tha với nghề này. Đây là thách thức không nhỏ đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ nông dân để họ gắn bó với nghề trồng lúa. Theo Viện trưởng Ipsard Đặng Kim Sơn, Quốc hội đặt mục tiêu đến năm 2020 phải bảo đảm giữ 3,8 triệu hécta đất trồng lúa, nhưng chỉ nên giữ 3,2 triệu hécta chuyên trồng lúa nước, còn lại 600 hécta tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc này không những không ảnh hưởng đến ANLT mà còn góp phần cải thiện đời sống vì nông dân có thể tăng thu nhập trên một diện tích canh tác.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ đầu tư cho NN, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất giống để đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng lương thực của nước ta có thể đạt 46-49 triệu tấn, trong đó có 43-44 triệu tấn lúa, bảo đảm đủ lương thực cho 110-115 triệu dân với mức bình quân trên 350kg/người/năm. Giải pháp hàng đầu là Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho NN, điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương "thuần nông", nhất là những vùng thâm canh lúa. Mặt khác, động viên kịp thời người dân trồng lúa, bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trực tiếp làm ra lúa gạo. Thực tế đã chứng minh, chỉ khi nào thu nhập của người nông dân tương xứng với công sức bỏ ra thì họ mới thiết tha với nghề trồng lúa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.