(HNM) - Là cơ quan có nhiều giao dịch về thủ tục hành chính với doanh nghiệp và công dân, nhiều năm qua, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và nâng cao chất lượng cán bộ nhằm bảo đảm hiệu quả công việc.
Theo kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2013 của Ban chỉ đạo Chương trình CNTT TP Hà Nội vừa công bố, Sở KH-ĐT xếp hạng Tốt. Phóng viên Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Phạm Văn Khương về vấn đề này.
- Xin ông cho biết việc đầu tư ứng dụng CNTT của Sở được thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi chủ trương ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động tác nghiệp nên rất nỗ lực thực hiện ở nhiều nhiệm vụ và có thể tổ hợp thành 2 nhóm. Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tác động vào yếu tố con người bởi đây là yếu tố trọng tâm, quyết định mọi quá trình phát triển. Chúng tôi chia thành 3 đối tượng: Bộ phận chuyên trách về CNTT, lãnh đạo sở và đội ngũ cán bộ, công chức. Nhóm nhiệm vụ thứ hai là đầu tư nâng cấp hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc tác động vào yếu tố con người để đẩy mạnh ứng dụng CNTT?
- Chúng tôi tạo điều kiện cho anh em bộ phận chuyên trách CNTT không ngừng được đào tạo và đào tạo lại nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo sở phải là những người tiên phong trong ứng dụng CNTT và phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho những người chuyên trách CNTT có điều kiện hiện thực hóa các ý tưởng. Lãnh đạo sở cũng là những người “đặt hàng” nhóm chuyên trách CNTT xây dựng phần mềm phục vụ cho công tác quản lý. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người sử dụng ứng dụng phần mềm - thì trong quá trình sử dụng phải liên tục sáng tạo và tìm ra những hạn chế, đề xuất biện pháp nâng cấp các phần mềm; đồng thời họ cũng đặt hàng lại cán bộ CNTT để xây dựng phần mềm tốt.
- Xếp hạng ứng dụng CNTT của Sở KH-ĐT theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình CNTT TP Hà Nội là đứng thứ nhất trong nhóm các sở, ngành của thành phố. Ông có thể cho biết rõ hơn mức độ ứng dụng CNTT tại Sở hiện nay như thế nào?
- Năm 2013, Sở KH-ĐT tiếp tục tích cực triển khai việc xây dựng và hoàn chỉnh các phần mềm tác nghiệp phục vụ cho công tác chuyên môn, đặc biệt là các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Hiện Sở có các hệ thống xếp hàng tự động và các ki ốt điện tử màn hình cảm ứng phục vụ công dân đến giao dịch giải quyết TTHC tại hai trụ sở: 16 Cát Linh và Nam Trung Yên; có hệ thống camera để lãnh đạo giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ tại các bộ phận “một cửa”. Số điện thoại, email, đường dây nóng đều công khai để tiếp nhận, hỗ trợ và xử lý các vướng mắc của công dân, doanh nghiệp. 106 dịch vụ công được hỗ trợ trực tuyến ở mức 3. Trung bình một ngày Sở tiếp nhận trên 200 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 99%. Có được kết quả đó chính là nhờ những yếu tố tinh thần trách nhiệm của CBCC và ứng dụng CNTT.
- Sở KH-ĐT đã có những phần mềm nào phục vụ tác nghiệp và hiệu quả ra sao thưa ông?
- Sở đã xây dựng các phần mềm phục vụ tác nghiệp tại các bộ phận một cửa như: Quản lý cấp giấy chứng nhận đầu tư; tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ đã nộp; tra cứu thông tin doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; báo cáo tổng hợp tình hình xử lý hồ sơ của các phòng chuyên môn. Trong quá trình thực hiện, Sở liên tục cập nhật, điều chỉnh và nâng cấp hệ thống để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và thực tiễn công tác. Hiện nay, Sở đã sử dụng phân hệ cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài để tiến tới thực hiện hỗ trợ trực tuyến mức 3 trong một số TTHC của lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Sở KH-ĐT đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai xong phần mềm đăng ký kinh doanh cấp huyện tới các quận, huyện, thị xã, sớm hơn 3 tháng theo tiến độ thành phố giao. Việc quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp cho Sở KH-ĐT nâng cao hiệu quả trong giải quyết công việc chuyên môn. Các phần mềm ứng dụng trên đều có sự liên thông chặt chẽ giữa các bộ phận. Hồ sơ được theo dõi và thống kê xuyên suốt từ khâu tiếp nhận đến khâu thụ lý và phát hành, trả kết quả.
- Với hiệu quả đã đạt được, Sở còn gặp khó khăn gì trong ứng dụng CNTT và đặt ra mục tiêu gì trong thời gian tới?
- Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song khó khăn thách thức đối với Sở còn nhiều. Bởi, CNTT hiện nay là một cuộc cách mạng, liên tục phát triển. Một phần mềm quản lý đưa ra có thể một thời gian ngắn đã lạc hậu, đòi hỏi phải liên tục nâng cấp các phần mềm đã có, đồng thời bổ sung phần mềm mới. Cùng đó, hệ thống hạ tầng phần cứng cũng liên tục phải nâng cấp để tích hợp được với các phần mềm đã có. Khó khăn nữa là Sở đã sẵn sàng cả về hạ tầng và nhân lực thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ TTHC thông qua mạng, song doanh nghiệp và người dân chưa thực hiện việc này nhiều nên kết quả còn hạn chế. Hơn nữa, để hoạt động quản lý nhà nước của Sở KH-ĐT nói riêng và thành phố nói chung nâng cao hơn thì việc ứng dụng CNTT của các sở, ngành trong thành phố phải tương đồng. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân tăng cường sử dụng CNTT, gửi hồ sơ hành chính qua mạng cũng như phản hồi ý kiến về quá trình phục vụ của cán bộ, công chức Sở KH-ĐT thông qua mạng nhằm giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, người dân và nâng cao hiệu quả tác nghiệp của cán bộ, công chức.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.