(HNM) -
Hàng vạn trẻ em đang chịu thiệt thòi
Tỷ lệ hộ nghèo cao, xã hội thay đổi phức tạp khiến người dân di cư khắp nơi, tốc độ đô thị hóa nhanh, bất bình đẳng, xung đột gia đình, thậm chí ly hôn gia tăng. Riêng địa bàn Hà Nội, trong tổng số hơn 1,5 triệu trẻ em, có tới gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 52.000 trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo. Số trẻ em và thanh niên di cư tự do, di cư theo gia đình đến Hà Nội có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ em và thanh niên nữ. Do đó, tác động của tệ nạn xã hội đến trẻ em đang là vấn đề lo ngại.
Giờ vui chơi của trẻ em thiệt thòi tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (Sở LĐ-TB&XH) trên địa bàn huyện Chương Mỹ.Ảnh: Tào Ngọc |
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lao động trẻ em ở 8 tỉnh thành trọng điểm, trong đó có Hà Nội, diễn ra khá phổ biến. Trẻ phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, thậm chí thời gian làm việc lên đến 10-12 giờ/ngày, bị lạm dụng, xâm hại vẫn chưa được can thiệp kịp thời... Nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, bị lạm dụng, xâm hại tình dục là không tránh khỏi. Việc sử dụng vũ lực với trẻ nhỏ vẫn chưa được kiểm soát do chưa định nghĩa cụ thể khái niệm lạm dụng thân thể trẻ em trong pháp luật hiện hành. Thách thức chính trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em (BVTE) hiện nay là thiếu một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả và mạnh mẽ, thiếu các dịch vụ bảo vệ và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng đầy đủ cho trẻ em dễ bị tổn thương. Cơ chế hoặc hệ thống phòng ngừa, phát hiện sớm để xác định rõ trẻ em dễ bị tổn thương và các gia đình có nguy cơ, gắn với can thiệp sớm và chuyển tuyến đến các dịch vụ đặc biệt chưa được xây dựng. Đáng nói, các dữ liệu quốc gia đáng tin cậy về BVTE, bao gồm trẻ em bị lạm dụng, buôn bán hoặc bóc lột tình dục vẫn chưa đầy đủ.
Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng
Cấp thiết phải thực hiện những dự án liên quan BVTE, đó là quan điểm mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra. Từ 5 năm trở lại đây, Hà Nội cùng cả nước đã triển khai thí điểm nhiều mô hình BVTE, trong đó việc dựa vào cộng đồng được đặc biệt chú trọng. Từ tháng 4-2012 đến nay, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã triển khai mô hình BVTE dựa vào cộng đồng tại 5 xã thuộc huyện Sóc Sơn (Tân Minh, Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long, Xuân Thu) và 5 phường thuộc quận Thanh Xuân (Hạ Đình, Khương Đình, Nhân Chính, Thanh Xuân Trung, Phương Liệt). Nhiều cán bộ chuyên trách và gần 300 cộng tác viên… tham gia quản lý và hỗ trợ khoảng 34.000 trẻ em, trong đó 580 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các buổi tập huấn diễn ra hiệu quả, kết hợp với truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của trẻ nhằm phòng ngừa các nguy cơ hoặc rủi ro cho các em.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hà, chuyên viên Ban dự án BVTE huyện Sóc Sơn, mỗi nhóm trẻ hoặc lớp tập huấn có 30 người tham gia. Các bậc cha mẹ, trẻ em được bổ sung kiến thức về phương pháp giáo dục, xâm hại, lạm dụng trẻ em, tình hình bắt nạt, bạo lực học đường, trẻ em bỏ học, lao động sớm… Nhiều bố mẹ hoặc trẻ em còn e ngại, chưa cởi mở. Với sự nhiệt tình của các cán bộ, các thành viên hiểu rõ ý nghĩa của thông điệp "roi vọt không làm trẻ nên người…". Ngay cả các thầy cô giáo cũng được bổ sung kiến thức cách giáo dục trẻ chưa ngoan; tập huấn cho bố mẹ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… Các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng được rèn kỹ hơn về kỹ năng sống… để phòng tránh và không bị xâm hại, bạo lực.
Xây dựng mạng lưới BVTE dựa vào cộng đồng được đánh giá cao về hiệu quả. Mặc dù, các cán bộ gặp khó khăn hơn trong quá trình vận động và mời bố mẹ và trẻ tham gia tập huấn, nhưng qua đánh giá của huyện Sóc Sơn và quận Thanh Xuân thì hàng nghìn trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tốt về tinh thần, về kiến thức còn hổng trong cuộc sống. Đây mới chỉ là hai quận, huyện được thực hiện thí điểm và cho những kết quả khả quan. Hy vọng, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình đến các quận, huyện khác của Hà Nội và cả nước để có được những mạng lưới cộng đồng bền vững BVTE với tinh thần "yêu thương mạnh hơn lời quát mắng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.