Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu Hà Nội, thành phố ta đang sống...

Thi Thi| 10/10/2015 08:15

(HNM) - Ngày 8-10, một cuộc trưng bày sách của nhà sưu tầm Nguyễn Thế Bách đã diễn ra tại hiệu sách Nhã Nam (107-B9 Tô Hiệu, Hà Nội). Bên cạnh đó, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ cũng giới thiệu một số đầu sách hay về Hà Nội của những tác giả như Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà...

Hà Nội - nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ. Ảnh: Thái Hiền


Sách về Hà Nội: Không phải đặc quyền của riêng ai

Nhà sưu tầm sách Nguyễn Thế Bách, chủ nhân quán cà phê sách ở 440 Âu Cơ mang đến cho độc giả chừng 60 đầu sách cũ về Hà Nội trong bộ sưu tập mà anh gọi là "Hà Nội của tôi". Có thể kể đến "Hùng khí Thăng Long" của Chu Thiên, "Lịch sử Thủ đô Hà Nội" của Trần Huy Liệu, "Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội" của Hoàng Đạo Thúy, "Chuyện Hà Nội" của Vũ Ngọc Phan, "Trên vỉa hè Hà Nội" của Triều Đẩu, "Đêm giã từ Hà Nội" của Mai Thảo, "Hà Nội xưa" của Vũ Tuân Sán, "Sống mãi với Thủ đô" của Nguyễn Huy Tưởng... Trong số này, có những cuốn sách xuất hiện từ đầu thế kỷ XX.

Lâu nay, chuyện sách cũ về Hà Nội được giữ trong các bộ sưu tập của người chơi sách cũ không phải là hiếm. Nhưng sự xuất hiện đồng loạt bên cạnh nhau của những tác phẩm này dễ mang lại cảm giác về bề dày của loại ấn bản lấy Hà Nội làm niềm cảm hứng chủ đạo. Đặc biệt, trong dịp triển lãm này, một loạt đầu sách về Hà Nội mới được Nhã Nam phát hành cũng được giới thiệu kỹ như "Các công trình kiến trúc Hà Nội", "Hà Nội hình màu", "Lịch sử Hà Nội" của Philippe Papin, "Hà Nội một chốn rong chơi" của Martin Rama. Bên cạnh đó là những đầu sách cũ được tái bản có bản quyền như "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, "Phố phường Hà Nội xưa" của Hoàng Đạo Thúy; "Hà Nội cũ" của Doãn Kế Thiện...

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, con trai nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy xuất hiện trong buổi triển lãm - giới thiệu sách nói rằng ông rất xúc động khi thấy sách của cụ Hoàng Đạo Thúy được tái bản, lại được trả bản quyền... Đại diện của Nhã Nam cho biết, tới đây sẽ tiếp tục xuất bản các đầu sách về Hà Nội nhằm tạo nên một tủ sách riêng về chủ đề này, làm sao đó để xứng với chiều sâu văn hiến Thủ đô.

Một câu chuyện thú vị khác diễn ra trong buổi triển lãm, giới thiệu sách về Hà Nội là bên cạnh các khách mời thuộc giới văn nghệ sĩ như Hoàng Đạo Kính, Mai Anh Tuấn... có sự xuất hiện của một bạn đọc tự giới thiệu là người thu mua sách cũ nên có điều kiện sưu tầm nhiều đầu sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn chưa thấy trưng bày ở triển lãm này. Sau đó, qua trao đổi, phóng viên Hànộimới được biết ông là giảng viên đại học ở Hà Nội, lâu nay đã mê sách cũ. Ông cho rằng, về ý tưởng thì đây là một triển lãm hay nhưng giá có thể đầu tư sâu hơn thì tốt, như thế thì triển lãm sẽ không bị thiếu mảng thơ về Hà Nội hoặc những cuốn không mang tên Hà Nội nhưng đề cập đến không gian văn hóa, đời sống Hà Nội.

Như vậy, dễ thấy rằng, những trang viết về Hà Nội không phải chỉ là chuyện của đơn vị kinh doanh sách, mà còn là niềm đam mê của nhiều người dân, bất kể là họ làm công việc, ngành nghề nào.

Thấy lại chiều sâu văn hóa Hà Nội

Theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn, qua các đầu sách tại triển lãm này, có thể thấy nhiều diễn ngôn khác nhau về Hà Nội trong văn học. Nói nôm na là có nhiều cách nói, cách cảm, cách viết khác nhau về cùng một thực thể thành phố. Hơn nữa, đọc những gì đã được viết về Hà Nội là dịp để mỗi người tìm lại nét tinh túy từ tầng sâu văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Dịp này "nhà" Kim Đồng đóng góp cho bạn đọc hai đầu sách mới là "Hà Nội, một thời tuổi trẻ" của nhà giáo Trần Văn Thụ, và "Thương thế, ngày xưa..." của nhà văn Lê Minh Hà. Trong đó, như tên gọi, "Hà Nội, một thời tuổi trẻ" là những ký ức không phai mờ của một nhà giáo sinh năm 1928 tại Hà Nội, một người tham gia kháng chiến khi mới 18 tuổi. Tác giả mong muốn "Cuốn sách này có thể giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu thêm về một giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp, hiểu thêm về Hà Nội những năm đầu kháng chiến, về một thế hệ đã luôn trăn trở với câu hỏi "Tôi có thể làm gì cho đất nước?"...

Lại nhớ, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn có nói, không chỉ hôm qua, mà hôm nay văn học đương đại cũng có nhiều nhà văn viết về Hà Nội, và viết hay, như Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến... Còn kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thì chia sẻ: Tôi thấy Trần Chiến viết về Hà Nội càng ngày càng hay, gần đây nhất là tiểu thuyết "Cậu ấm"... NXB Trẻ cho biết vừa tái bản "Mỗi góc phố một người đang sống" của Nguyễn Trương Quý - tác giả thuộc thế hệ 7X nhưng có khá nhiều đầu sách với góc nhìn riêng về thành phố nghìn tuổi. Cuốn "Đi xuyên Hà Nội" của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cũng đã được tái bản sau một thời gian ngắn ra mắt, cũng như sắp tới đây sẽ là "Cậu ấm" của Trần Chiến... Chưa kể là trong tháng tới đây, hai cây bút của Hà Nội là Trần Chiến và Nguyễn Việt Hà sẽ ra mắt hai tập truyện ngắn mới là "Ốc gió" và "Buổi chiều ngồi hát".

Hà Nội những ngày thu tháng mười, không gì thú vị hơn là được thưởng thức và chờ đợi những cuốn sách hay về thành phố mà ta đang sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu Hà Nội, thành phố ta đang sống...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.